Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô
Vào lúc 9h00 ngày 21/11/2022, Đối thoại chuyên đề: “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sẽ được phát trực tuyến trên VnEconomy.vn và FanPage VnEconomy...
Dữ liệu cập nhật cho thấy, ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 24.860 VND xuống 24.850 VND, tương đương mức giảm 10 VND. Trước đó, ngày 10/11, lần đầu tiên trong năm nay, cơ quan này cũng chính thức điều chỉnh giảm 10 VND của giá bán USD.
Mặc dù mức giảm mỗi lần khá nhỏ, tuy nhiên đây là vẫn là một dấu hiệu tích cực cho thị trường để thấy rằng áp lực của tỷ giá USD/VND đang giảm dần. Thực tế, thị trường ngoại tệ của Việt Nam đang đón nhận khá nhiều thông tin tích cực.
Đầu tiên, Việt Nam không còn nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Theo báo cáo mới nhất, trong 3 tiêu chí để Mỹ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại thì Việt Nam chỉ còn vượt ngưỡng duy nhất một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ.
Thứ hai, theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD; hút vốn FDI vẫn đạt hơn 22,4 tỷ USD; các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân khoảng 17,7 tỷ USD….
Thứ ba, một số thương vụ gọi vốn, huy động vốn quốc tế được các công ty công bố như: Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) ký kết cho ngân hàng SeABank vay 200 triệu USD; ADB và ngân hàng VPBank ký kết gói vay xã hội trị giá 500 triệu USD; F88 huy động thành công 60 triệu từ các tổ chức tài chính quốc tế; HSBC hỗ trợ Masan Group huy động gói tín dụng trị giá 600 triệu USD… Mặc dù tổng giá trị các thương vụ này không lớn so với quy mô giao dịch thị trường ngoại tệ nhưng được coi là rất quý giá bởi ngoài việc bổ sung nguồn cung thì còn khẳng định niềm tin của tổ chức tài trợ vốn quốc tế đối với Việt Nam.
Thứ tư, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, CPI tháng 10 của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD liên tục giảm mạnh từ đỉnh...
Song vẫn phải nhấn mạnh, các yếu tố khiến tỷ giá USD/VND tăng còn hiện hữu. Trong đó, chỉ số CPI của Mỹ vẫn đang ở mức cao (tăng 7,7% trong tháng 10/2022) và theo một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, mức lạm phát bền vững để khiến Fed dừng tăng lãi suất phải ở mốc 4,4%.
Ở trong nước, do phải bán USD để ổn định thị trường, một số dữ liệu cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tiệm cận mức chú ý mà IMF đưa ra là tương đương 12 tuần nhập khẩu. Đồng thời, nguồn kiều hối vẫn đang có xu hướng giảm; giá vàng trên thị trường vẫn chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, dẫn đến một lượng ngoại tệ tiếp tục đổ vào khu vực này; chưa kể, không ít doanh nghiệp FDI tiếp tục xu hướng chuyển lợi nhuận về công ty mẹ…
Gần nhất, Quốc hội thông qua mục tiêu năm 2023; trong đó, GDP tăng 6,5% và CPI 4,5%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp so với đà tăng 13,67% của quý 3/2022 và theo các chuyên gia, có vẻ như Chính phủ sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế để giữ ổn định tỷ giá, không để lạm phát nhập khẩu vào trong nước. Đồng thời, CPI được nới lên cũng để tạo dư địa trong trường hợp tỷ giá không giữ được như kỳ vọng.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức buổi Đối thoại chuyên đề: "Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" với mục đích nhận diện bối cảnh biến động tỷ giá và lường đón những thuận lợi, thách thức trong thời gian tới; đóng góp các giải pháp về chính sách với các cơ quan quản lý, bộ ngành liên quan nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực trước áp lực tăng giá của đồng USD...
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước và những yếu tố tác động tới tỷ giá cặp USD/VND;
- Diễn biến tỷ giá và tác động tới chính sách cùng với hoạt động doanh nghiệp trong các ngành sản xuất;
- Tại sao Chính phủ nêu cao quyết tâm kiểm soát ổn định tỷ giá? Lựa chọn này phải đánh đổi những gì?
- Doanh nghiệp của ngành thép và phân bón chịu tác động như thế nào trước diễn biến của tỷ giá thời gian qua?
- Củng cố niềm tin trên thị trường ngoại tệ;
- Dự báo và gợi ý chính sách điều hành tỷ giá trong năm 2023.
Khách mời tham gia Đối thoại gồm:
- TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia;
- Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Phân bón Việt Nam;
- Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thép Việt Nam;
- Chuyên gia Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng học viện Ngân hàng TP.HCM;
- Chuyên gia Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TP.HCM.
Nội dung Đối thoại chuyên đề sẽ được phát trực tuyến vào lúc 9h00, thứ Hai, ngày 21/11/2022, trên VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!