Doanh nghiệp “hiến kế” phát triển thị trường bất động sản
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã "hiến kế" phát triển thị trường địa ốc tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất
Tại diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và VITV tổ chức, cộng đồng các doanh nghiệp đã đồng loạt đề xuất nhiều kiến nghị về chính sách quản lý nhà nước, cùng nỗ lực hiến kế để phát triển thị trường bất động sản có kiểm soát những vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã "hiến kế" phát triển thị trường địa ốc một cách bền vững tại Diễn đàn này.
Miễn Visa để thu hút 20 triệu khách du lịch đến Việt Nam
(Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn CEO)
"Một trong những giải pháp đột phá để thu hút du khách là sớm thực hiện miễn visa cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Bởi thực tiễn để thu hút trên 20 triệu khách quốc tế một năm các nước đang thành công trong việc thu hút du khách quốc tế đều miễn visa.
Nhà nước cần đầu tư thực sự cho du lịch. Để thu hút 20 triệu khách quốc tế và hàng trăm triệu lượng khách du lịch nội địa vào năm 2020 và lĩnh vực du lịch đóng góp tiệm cận 10% vào GDP, thu nhập 30 tỷ USD, tạo hàng triệu việc làm, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư thực sự cho lĩnh vực này một cách thỏa đáng thông qua các đầu việc cụ thể sau: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đầu tư cho hoạt động truyền thông; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực dự án.
Cần thiết phải lựa chọn thiết chế Trưởng đặc khu tại các đặc khu kinh tế so với thiết chế hiện nay để tạo ra đột phá, thử nghiệm chính quyền đô thị tương lai, một người quyết và chịu trách nhiệm".
Cần hình thành các kênh tiết kiệm và tài chính để mua nhà
(Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long)
"Nhu cầu nhà ở xã hội và nhà thương mại ngày càng bức thiết. Các thành phố lớn hay siêu đô thị đang bùng nổ nhu cầu nhà ở trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều thiếu hụt nghiêm trọng.
Cần thiết hình thành cơ quan quản lý phát triển nhà cấp quốc gia và thiết lập các kênh tài chính - tiết kiệm nhà ở theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế.
Tại Việt Nam, tổ chức này đặc biệt quan trọng trong vai trò là đầu mối cho các kế hoạch, quy hoạch phát triển không gian đô thị, nâng cấp và tái chỉnh trang đô thị tại các thành phố lớn như Tp. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, và cung cấp quỹ nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập hạn chế để mua và thuê nhà ở.
Song song với một tổ chức quốc gia phát triển và quản lý nhà ở xã hội, việc hình thành các kênh tài chính và tiết kiệm để mua nhà là yêu cầu bắt buộc tạo ra một thị trường bất động sản nhằm thỏa mãn yêu cầu có nhà ở của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là các đối tượng có thu nhập hạn chế và khó có điều kiện mua nhà".
Minh bạch thông tin trong cải tạo chung cư cũ
(Ông Bùi Khắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Xuân Mai Corporation)
"Chúng ta phải xuất phát từ việc nghiêm túc và minh bạch, và người dân được hưởng, doanh nghiệp cũng được hưởng trong cải tạo chung cư cũ. Người dân rất thông minh để hiểu. Quy hoạch thành phố cho là như thế nào, để làm việc với người dân thì mỗi doanh nghiệp có một kiểu khác nhau.
Tôi tin rằng cải tạo chung cư cũ phải đến hơn 80% là ủng hộ. Giá trị thương mại người ta cũng thấy, nếu đền bù với hệ số 1,3 hay 1,4 với cái nhà 40m2 thì họ đã được cỡ 70 - 80m2 thì căn hộ tương lai họ được nhận là rất xứng đáng.
Minh bạch bây giờ rất dễ vì thị trường rất mở, các đơn giá như thế nào, xây dựng triển khai ra sao. Đương nhiên nhà đầu tư phải có lợi nhuận. Tôi nghĩ người nào, doanh nghiệp nào có khả năng, kinh nghiệm quản lý tốt thì lợi nhuận tốt hơn một chút.
Công khai minh bạch thông tin về chương trình, kế hoạch và chỉ tiêu quy hoạch đối với các dự án. Nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc quyết định thực hiện dự án cải tạọ chung cư cũ và lựa chọn chủ đầu tư.
Việc lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư gộp lại thành một để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính Nhà nước có chính sách bố trí nguồn vốn cho vay ưu đãi như đối với nhà đầu tư xây dựng, nhà ở xã hội.
Xây dựng cơ chế yêu cầu các chủ sở hữu căn hộ chấp hành việc di dời, chấp hành quy định, tiêu chuẩn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Chính quyền địa phương tích cực phối hợp với công ty trong giải phóng mặt bằng".
Các thiết bị tạo ra ngôi nhà xanh đúng nghĩa
(Ông Nguyễn Văn Nhung, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH LG Electronic Việt Nam)
"Chi phí cho công trình xanh tăng 30%, khi đồng bộ chỉ khoảng 10%, giá hệ thống thông minh lắp đặt cho nhà xanh rơi vào 10-15% nhưng công người dân sống tại dự án xanh tiết kiệm điện năng rất lớn.
Một ngôi nhà, hệ thống điều hoà tiêu thụ năng lượng lớn nhất so với các sản phẩm khác như tủ lạnh, máy giặt, hệ thống an ninh… Với thiết bị thông minh có thể tiết kiệm nhiều năng lượng cho ngôi nhà. Cần phải thông minh hoá các hệ thống điều khiển để tiện điều khiển vừa tiết kiệm năng lượng, vừa tận dụng được các nguồn năng lượng thừa từ thiết bị khác.
Hãng LG đưa ra rất nhiều sản phẩm hướng tới thân thiện với môi trường gọi là sản phẩm xanh. Nhưng ở khâu trung gian, việc chuyển giao công nghệ với nhà tư vấn còn gặp khó khăn. Họ chưa thực sự hiểu, và chưa tâm huyết với sản phẩm. Thế nên người thiết kế, người chuyển giao công nghệ và kiến trúc sư phải thực sự có trách nhiệm chuyển giao công nghệ đến người sử dụng".