10:00 30/11/2023

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ khát vốn

Thủy Diệu

Việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn luôn rất khó khăn bởi những quy định và tài sản thế chấp, thậm chí nhiều trường hợp gần như không thể vay được. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân sách dành cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng nhiều thử thách và rào cản không kém, khiến doanh nghiệp không dễ chạm tới...

Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xây dựng khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm một mô hình kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ...
Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xây dựng khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm một mô hình kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ...

Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng hơn 6 năm nay vẫn tự lo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là mỗi khi có các dự án công nghệ mới cần vốn, trong đó đặc biệt là khát khao sản xuất điện thoại smartphone. Nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm điện thoại của Bkav từng ở thời điểm bức thiết, nhưng “cánh cửa ngân hàng vẫn khép chặt”, vì ý tưởng và dự án công nghệ của Bkav không có giá trị định giá như các tài sản hữu hình.

GIAN NAN TIẾP CẬN VỐN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Bkav là công ty về phần mềm và an ninh mạng, hoạt động kinh doanh khá hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao. Đặc biệt những năm 2008-2009, nguồn thu từ lĩnh vực phần mềm và an ninh mạng của Bkav lên tới cả trăm tỷ đồng. Từ 2009, sau khi có khoản tích lũy khá lớn, Bkav bắt đầu mở hướng đầu tư vào smartphone và đến năm 2015 thì thành công khi chính thức sản xuất được smartphone. Trong khoảng thời gian 6 năm nghiên cứu để làm chủ và sản xuất thành công lĩnh vực điện thoại di động, Bkav đã tiêu tốn khoảng 500-600 tỷ đồng.

Lúc ra phiên bản 1 năm 2015 Bkav vẫn chưa cần đến tiền vay, nhưng đối với phiên bản 2 năm 2017, khi sản phẩm đã thực sự hoàn thiện và nhìn nhận thị trường có thể bùng nổ, Bkav có nhu cầu vay thêm 300 tỷ đồng để sản xuất số lượng điện thoại đủ lớn khi mà Bkav đã ký được với Thế Giới Di Động về phân phối điện thoại Bphone trên hệ thống bán lẻ của hãng với 2.000 cửa hàng. Vốn của Bkav lúc đó chỉ đủ để sản xuất 300 chiếc, trong khi nhu cầu sản xuất tới 2.000 máy.

Nhà máy sản xuất điện thoại Bphone của Bkav.
Nhà máy sản xuất điện thoại Bphone của Bkav.

“Giá một chiếc điện thoại lên tới chục triệu đồng, mà đã sản xuất thì phải sản xuất lớn, do đó cần một khoản tiền đủ lớn để nâng quy mô sản xuất. Bkav đi gõ cửa ngân hàng vay 300 tỷ đồng nhưng không ngân hàng nào cho vay”, Chủ tịch Bkav nói với vẻ tiếc nuối khi mà Bkav đã sẵn sàng bỏ ra 1.000 tỷ đồng trước đó cho lĩnh vực này để nuôi khát vọng và đam mê làm chủ công nghệ lõi, làm chủ thiết kế với ngành công nghiệp smartphone, nhưng lại “bất lực” trước 300 tỷ đồng vốn vay. Hệ quả, theo Bkav, cứ 10 cửa hàng Thế Giới Di Động thì chỉ một cửa hàng có điện thoại Bphone, còn lại 9 cửa hàng khách hàng đến không nhìn thấy, không trải nghiệm được sản phẩm.

Không giống Bkav ở lĩnh vực phần mềm, Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc là doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiên phong trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Với 15 kinh nghiệm, Thiên Phúc đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất nâng cao định chuẩn hàm lượng cordycepin để bào chế ra nhiều sản phẩm phù hợp hơn với người dùng. Công ty này mỗi năm dành 25-30% doanh thu thuần để đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm.

Tuy nhiên, Thiên Phúc cũng không nằm ngoài những khó khăn mà hầu hết các doanh nghiệp khoa học và công nghệ gặp phải. Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Thiên Phúc cho biết thực tế để được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hiện nhiều đơn vị phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ với nhiều thủ tục và quy định rườm rà. Mặt khác, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù mức tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn khó có thể đạt để được hưởng ưu đãi”, bà Hồng bày tỏ, và cho rằng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

 
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Thiên Phúc.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Thiên Phúc.
“Để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù mức tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn khó có thể đạt để được hưởng ưu đãi”.

Rất nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ đều cho rằng ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ còn rất ít và thủ tục thì nhiều và khó giải ngân. Vốn ngân sách cho khoa học và công nghệ tiếp cận đã khó nhưng lại giảm dần qua các năm, từ 1,1% năm 2017 xuống còn 0,82% năm 2023.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho hay bên cạnh những khó khăn về thương mại hóa sản phẩm, việc chứng nhận các sản phẩm khoa học và công nghệ thuộc doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn nhiều phức tạp do đòi hỏi nhiều thủ tục,… thì việc thực hiện các đề tài, dự án có hỗ trợ ngân sách Nhà nước còn nhiều thủ tục phức tạp. Chính sách thuế còn chưa ưu tiên so với các doanh nghiệp khác.

Tính đến 31/12/2022, cả nước đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 712 doanh nghiệp trên tổng số 3.000 doanh nghiệp tiềm năng, tăng 76 doanh nghiệp so với cùng thời điểm năm 2021. Trong tổng số 712 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp giấy chứng nhận, khoảng 7% doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận từ kết quả khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Hơn 90% doanh nghiệp còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ bằng toàn bộ nguồn vốn của chính doanh nghiệp.

CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG ĐẦY ĐỦ ƯU ĐÃI

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (VST) đối với 167 doanh nghiệp thành viên, phần lớn các doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết họ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Chỉ có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định 13 với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng. Trong khi đó, 18 doanh nghiệp chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào. Có doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm khoa học công nghệ không đủ tỷ lệ 30% để nhận ưu đãi, và có tới 141 doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi.

Mặc dù Nghị định 13/2019 được xem là bước đột phá về cơ chế hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa học và công nghệ với các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng, nhưng theo ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, khi thực thi doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2023 phát hành ngày 27-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ khát vốn - Ảnh 1