16:05 10/10/2023

Gỡ “điểm nghẽn” phát triển thị trường khoa học công nghệ

Nhĩ Anh

Để thị trường khoa học công nghệ Việt Nam phát triển đồng bộ, lành mạnh và hiệu quả cần rà soát tổng thể lại các chính sách về thị trường, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, điểm nghẽn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Chỉ thị đã nêu rõ hiện trạng, những tồn tại rào cản vướng mắc, “điểm nghẽn” của thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay cũng như đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục.

NHỮNG "ĐIỂM NGHẼN" CỦA THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index 2023- GII 2023) vừa được WIPO công bố, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chỉ số đổi mới sáng tạo có 5 nhóm trụ cột đầu vào và 2 nhóm trụ cột đầu ra trong đó có trình độ phát triển thị trường. Qua theo dõi chỉ số này cho thấy Việt Nam đang có mức giảm so với những năm trước.

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chỉ số này được đo lường qua các chỉ số thành phần như tín dụng, đầu tư, thương mại hóa và quy mô thị trường. Đây là thị trường hàng hóa chung trong đó có thị trường khoa học công nghệ. Các quốc gia đều đo lường qua giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường.

 
Hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung- cầu công nghệ; phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt; còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài.

Thống kê từ năm 2011-2020, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam có bước tăng trưởng với mức trung bình cho cả thị trường hơn 20%. Một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, thiết bị viễn thông… có mức tăng trưởng trên 37%. Ngoài ra lĩnh vực như cơ khí chế tạo cũng có mức tăng trưởng thị trường khá cao. Tốc độ ứng dụng và đổi mới công nghệ trong 2 ngành dệt may và đồ gỗ đạt khoảng 30%.

Từ năm 2020 đến nay, theo các số liệu thống kê sơ bộ, tốc độ tăng trưởng của thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn ở mức tốt. Những khó khăn của thị trường hàng hóa nói chung, đứt gãy nguồn cung và sụt giảm cầu do dịch Covid-19, ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, kéo theo tác động tới thị trường khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra các áp lực đòi hỏi doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cấu trúc lại các mô hình sản xuất dựa vào công nghệ. Đây là một nhu cầu đòi hỏi của quá trình sản xuất, tạo ra cơ hội mới cho thị trường khoa học và công nghệ.

Bên cạnh kết quả đạt được, một trong những rào cản, vưỡng mắc, "điểm nghẽn" của thị trường đã được nêu rõ trong Chỉ thị 25 cần được sớm tháo gỡ, khắc phục đó là hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung- cầu công nghệ; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa tốt; còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài.

Nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng; doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu; các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu; thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia và kết nối với thị trường quốc tế…

CÓ CHÍNH SÁCH VƯỢT TRỘI, TĂNG CUNG KÍCH CẦU, ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ DOANH NGHIỆP

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, cho rằng để thị trường khoa học công nghệ Việt Nam phát triển đồng bộ, lành mạnh và hiệu quả theo Chỉ thị của Thủ tướng vừa ban hành, cần phải rà soát tổng thể lại các chính sách về thị trường, đồng bộ hóa chính sách, tạo hành lang pháp lý mới và một số chính sách có tính vượt trội để thúc đẩy thị trường khoa học phát triển.

Do có những khó khăn, rào cản, “điểm nghẽn” về chính sách nên có những kết quả nghiên cứu được đánh giá tốt, có nhu cầu ứng dụng chuyển giao từ doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp đã ký hợp đồng thương mại hóa kết quả nghiên cứu với các viện, trường nhưng không thực hiện được vì rào cản chính sách.

 
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ

"Để thị trường khoa học công nghệ Việt Nam phát triển đồng bộ, lành mạnh và hiệu quả theo Chỉ thị của Thủ tướng vừa ban hành, phải rà soát tổng thể lại các chính sách về thị trường, đồng bộ hóa chính sách, tạo hành lang pháp lý mới và một số chính sách có tính vượt trội để thúc đẩy thị trường khoa học phát triển. Một trong những biện pháp trong thời gian tới cần chuyển dịch nguồn cung công nghệ từ các nước đang phát triển sang các khu vực có công nghệ chất lượng cao hơn.

Cùng với đó sẽ triển khai các biện pháp thúc đẩy nguồn cung công nghệ. Hiện nay nguồn cung công nghệ ở Việt Nam phụ thuộc vào hai nguồn chính từ các trường, viện và các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có trình độ công nghệ trung bình còn chiếm tỷ trọng khá lớn.

Vì vậy, theo ông Nghiệm, một trong những biện pháp trong thời gian tới cần chuyển dịch nguồn cung công nghệ từ các nước đang phát triển sang các khu vực có công nghệ chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng nhấn mạnh đòi hỏi nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.

Cần có các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ. Hiện nay, Bộ đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, do đặc thù hàng hóa công nghệ là tri thức ẩn, người mua thường không có năng lực để đưa ra quyết định mua trực tiếp hàng hóa đó như hàng hóa thông thường. Do đó, cần có thêm một lực lượng đặc biệt- tổ chức trung gian đi song hành cùng doanh nghiệp khi quyết định mua hàng. Đây là lực lượng có năng lực để đánh giá, thẩm định và xác định các chỉ số kỹ thuật và tài chính của công nghệ đó khi đưa vào ứng dụng.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy nâng cao chất lượng giao dịch công nghệ trên thị trường cần tập trung hỗ trợ, hình thành, phát triển các tổ chức trung gian tư vấn đủ mạnh, có năng lực cung cấp các dịch vụ có chất lượng ra thị trường, thúc đẩy làm lành mạnh hóa thị trường. Đây cũng là nội dung Bộ đang ưu tiên tập trung xây dựng trong thời gian tới, ông Nghiệm nói.

 
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cho vay lãi suất ưu đãi 3 dự án số tiền 37/223 tỷ đồng
Liên quan đến hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Ích, Phó Giám đốc điều hành Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), cho biết Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập năm 2011. Đến đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thay đổi chức năng nhiệm vụ hoạt động của Quỹ. Theo đó quỹ có chức năng chủ yếu cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Thời gian qua, Quỹ đã phối hợp với một số ngân hàng thương mại, trong đó phối hợp với Ngân hàng BIDV cho vay 3 dự án số tiền 37 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, quỹ mới chỉ tập trung cho vay tín dụng. Ba chức năng còn lại của quỹ như hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đến nay vẫn chưa triển khai hoạt động hiệu quả. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023 quỹ sẽ giải ngân hết số vốn 223 tỷ đồng đã được cấp. Hiện còn 9 dự án khác đang trong giai đoạn thực hiện các quy trình xem xét phối hợp.