10:07 29/11/2023

Cần cơ chế tài chính thực sự “cởi trói” cho nhà khoa học

Đỗ Phong

Để tháo gỡ bất cập trong thanh, quyết toán cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cần được áp dụng cơ chế đặc thù hơn so với các khoản chi khác từ ngân sách nhà nước; cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù, quan điểm chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ chế tài chính, đầu tư cho khoa học và công nghệ là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của giới khoa học và công nghệ, nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia. Trên diễn đàn Quốc hội, khi chất vấn tư lệnh ngành khoa học và công nghệ, rất nhiều đại biểu quan tâm đến chi đầu tư phát triển và tổng chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng như tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp trong lĩnh vực này.

NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho hoạt động khoa học công nghệ vẫn được Quốc hội thông qua trung bình trong giai đoạn 2021-2023 đạt 0,64% tổng chi ngân sách nhà nước.

Tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: năm 2023 tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 8.800 tỷ đồng, địa phương là khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong 8.800 tỷ đồng ngân sách Trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ đồng, như vậy tỷ lệ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chiếm 89%. Trong 3.291 tỷ ngân sách khoa học công nghệ địa phương, tỷ lệ chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoảng 55%.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, đối với bố trí chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, hằng năm Quốc hội giao kế hoạch vốn đầu tư công theo tổng số (không chi tiết theo ngành, lĩnh vực), các địa phương được chủ động giao và điều chỉnh kế hoạch vốn năm giữa các ngành, lĩnh vực theo khả năng thực hiện.

Thông tin thêm về việc bố trí ngân sách chi cho khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính cho biết: năm 2023 tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%; năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%, trong khi năm 2017 tỷ lệ này là 1,18%.

Cần cơ chế tài chính thực sự “cởi trói” cho nhà khoa học - Ảnh 1

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trách nhiệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công; bố trí có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,82%; trong khi đó Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.

“Điều này cho thấy các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.

Với con số trên, nhiều chuyên gia có chung nhận định: mức đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, chưa tương xứng, chưa đạt tới ngưỡng cần và đủ. Đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư của xã hội cho khoa học và công nghệ còn dàn trải, kém hiệu quả. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng hơn 0,6% GDP, trong khi ở Mỹ năm 2017 là 2,83%, Trung Quốc là 1,96%, Singapore là 2,6%, Malaysia là 1,25%...

Với mức đầu tư còn rất khiêm tốn, nhưng trong giai đoạn vừa qua, đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội đã có những dấu ấn thể hiện trong các lĩnh vực khoa học xã hội; nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Theo báo cáo năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) ước tính đạt khoảng 43,8%, cao hơn mức 37,12% của năm 2021.

KHAI THÁC CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Trong đầu tư cho khoa học và công nghệ, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển là một chỉ tiêu chính được các tổ chức quốc tế sử dụng để đánh giá cường độ nghiên cứu và phát triển của một quốc gia.

Theo số liệu điều tra do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia thực hiện, tổng chi quốc gia cho R&D của Việt Nam năm 2021 là 36.066 tỷ đồng, bằng 0,42% GDP, trong đó ngân sách nhà nước là 11.137,9 tỷ (chiếm hơn 30%), nguồn ngoài ngân sách nhà nước chiếm gần 70%. Chỉ số này của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều các nước phát triển, nhưng cũng cho thấy xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, ngày càng quan tâm đầu tư cho R&D.

Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận: nguồn lực tài chính từ xã hội cho khoa học và công nghệ đã có sự thay đổi. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Nếu như 10 năm trước đây kinh phí đầu tư cho R&D chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư xã hội), thì đến nay nguồn ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là từ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng chính.

Cần cơ chế tài chính thực sự “cởi trói” cho nhà khoa học - Ảnh 2

Theo các chuyên gia, đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các nguồn vốn khác nhau, gồm cả khu vực công và tư nhân, đóng vai trò rất quan trọng. Việt Nam cần huy động tổng lực cả ngân sách và nguồn lực tư nhân để đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, một vấn đề được nêu ra nhiều lần tại các diễn đàn và được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn là điểm nghẽn cơ chế chi tiêu của các quỹ. Việc hình thành các quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cũng như quỹ đổi mới công nghệ nhằm mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng, thời gian qua, các quỹ này hoàn toàn hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước và chưa trở thành một kênh để huy động, thu hút được đầu tư từ xã hội đối với các hoạt động khoa học, công nghệ cũng như chưa phát huy được vai trò hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu.

Các quy định về trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc, bất cập và cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước cũng chưa thật sự hiệu quả, chưa phát huy được tối đa nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp.

Tại kỳ họp thứ 5, khi chất vấn về vấn đề này, đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nêu thực tế tình trạng thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học và công nghệ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà việc trích lập và sử dụng quỹ, cơ cấu chi của quỹ còn bất hợp lý.

Thống kê cho thấy giải ngân đầu tư cho khoa học và công nghệ đến nay mới chỉ đạt 60% trên số tiền 23.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp đã trích lập.

Thực tế việc bố trí, quản lý và sử dụng ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua vẫn còn những tồn tại hạn chế. Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ vẫn còn tình trạng tồn đọng vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ thể hiện qua kinh phí chuyển nguồn hằng năm còn lớn; chậm xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ kéo theo phân bổ và sử dụng không kịp, không hết dự toán chi ngân sách nhà nước được giao.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tính chất của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mục tiêu nghiên cứu càng lớn, càng mang tính đột phá thì việc đạt được kết quả ngay từ những thử nghiệm đầu tiên là rất khó xảy ra, nhiều trường hợp đã đầu tư nguồn lực lớn nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện tại cũng là một rào cản để tối ưu hóa và đẩy nhanh tốc độ triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Đối với việc thực hiện cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, mặc dù Thông tư số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC đã đơn giản thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí thuộc các bộ, ngành và các tổ chức chủ trì. Nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi hợp pháp cho các nội dung thanh toán; vẫn phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu mua sắm; phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách nhà nước.  Đó là nguyên nhân dẫn đến có lúc, hồ sơ thanh toán, quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học.

Trong khi hiệu quả của hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, thì quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước vẫn gắn với việc kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu.

Thực tế, mặc dù Kho bạc Nhà nước không thực hiện kiểm soát chi nhưng khối lượng các chứng từ, chi tiêu, đấu thầu, mua sắm mà tổ chức chủ trì phải lưu giữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra gần như không thay đổi so với phương thức khoán chi từng phần.

GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Trước những băn khoăn về thủ tục hành chính, hóa đơn, chứng từ thanh quyết toán, để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập này, trong phiên trả lời chất vấn ngày 8/11/2023, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cần được áp dụng cơ chế đặc thù hơn so với các dòng chi khác từ ngân sách nhà nước trong phân bổ, giao dự toán, đấu thầu, thanh quyết toán, yêu cầu về chứng từ chi tiêu, kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước…

“Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ rất khó có được một cơ chế tài chính thực sự được đơn giản hóa và thực sự “cởi trói” cho các nhà khoa học trong việc thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của mình”, ông Đạt nói.

 
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
"Để bứt phá về khoa học và công nghệ có nhiều giải pháp, nhưng trước tiên tôi nghĩ giải pháp quan trọng là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư theo nghĩa về kinh phí cũng như nguồn lực và cơ chế chính sách để nhà khoa học có điều kiện và có tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học. Tôi rất tin tưởng năng lực của đội ngũ các nhà khoa học. Nếu như chúng ta đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp sẽ phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học cũng như đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học".

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư liên tịch 27 liên quan đến quy định về khoán chi, đơn giản thủ tục mua sắm, thanh toán, giảm bớt hồ sơ mà các nhà khoa học, nhà quản lý hay phàn nàn "nhiều khi hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học".

Đồng thời, nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95 và đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các nội dung này trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trình Quốc hội sắp tới…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2023 phát hành ngày 27-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cần cơ chế tài chính thực sự “cởi trói” cho nhà khoa học - Ảnh 3