Doanh nghiệp nhà nước đồng loạt "than khó" với "siêu Ủy ban"
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công tác đầu tư xây dựng các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến
Rất nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bày tỏ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại cuộc họp giao ban 9 tháng giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc mới đây, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, ACV hiện gặp khó trong công tác đầu tư sửa chữa, khắc phục hư hỏng hệ thống đường băng.
Theo ông Phiệt, sau khi ACV cổ phần hoá, từ năm 2016, do liên quan đến vấn đề an ninh sân bay nên các khu bay, các đường bay, đường lăn thuộc Nhà nước quản lý. Như vậy, Nhà nước chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp chứ không phải doanh nghiệp.
Liên quan đến dự án xây dựng sân bay Long Thành, lãnh đạo ACV kêu gọi các doanh nghiệp của Ủy ban cùng tham gia ở các hạng mục khác nhau, khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở các dự án trọng điểm của quốc gia.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, chi phí duy tu sửa chữa hàng năm của ngành đường sắt chỉ được bố trí khoảng 30% so với nhu cầu, do đó các hạng mục sửa chữa liên tục bị dồn lại, càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn chạy tàu và ngành đường sắt chỉ có thể lựa chọn những dự án cấp thiết nâng cấp, sửa chữa.
Theo ông Minh, khó khăn nhất hiện nay của VNR là phải thực hiện trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác. Việc thi công chỉ có thể làm tranh thủ trong thời gian ngắn giãn cách giữa hai chuyến tàu.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc, cho biết công tác đầu tư xây dựng các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.
Trong khi nhiều dự án nguồn chậm tiến độ, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong giai đoạn tới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình cung cấp than cho các nhà máy điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về khối lượng, chất lượng và chủng loại than. Lãnh đạo EVN đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có những hỗ trợ đặc biệt về nguồn nguyên liệu đầu vào.
Trước đề nghị trên của lãnh đạo EVN, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định sẽ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN. Về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Minh Chuẩn chia sẻ còn tồn đọng nhiều vướng mắc trong quy hoạch phát triển kinh tế địa phương và quy hoạch phát triển ngành. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong thị trường ngành than giữa doanh nghiệp nhà nước và khối tư nhân chưa minh bạch và hài hòa.
Lãnh đạo TKV cho biết, thủ tục đầu tư, nhất là trong công tác thăm dò, cấp phép còn diễn ra khá lâu, thậm chí những hoạt động đầu tư ở một số địa phương còn mang tính nhiệm kỳ của lãnh đạo, gây ra không ít khó khăn cho TKV.
Khó khăn tại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đề cập, rằng trong thời gian gần đây, ngành sản xuất cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi tuy sản lượng vẫn đảm bảo nhưng giá cao su trên thị trường thế giới nói chung, giá cao su Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng liên tục giảm khi các nhà đầu tư thực sự lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
"Cảm thông" về tình trạng "được mùa, mất giá" với VRG, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh hàng không gay gắt hiện nay, doanh nghiệp đang phải tính toán từng mùa cao điểm, từng chuyến bay cao điểm, từng chỗ bán với mức giá đảm bảo tối ưu hoá doanh thu.
Doanh nghiệp "đầu tàu" là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó tổng giám đốc, cũng cho biết, hành lang pháp lý, bao gồm quy chế tài chính và Luật Dầu khí hiện hành đang tạo ra những bất cập trong công tác gia tăng trữ lượng. Doanh nghiệp đang gặp khó trong việc bảo toàn vốn nhà nước bởi nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò giếng dầu mới khó có thể đảm bảo 100% thành công.
Trước những khó khăn được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nêu trên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu các doanh nghiệp cần có lộ trình, phối hợp với Ủy ban, từng bước tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật; đồng thời, yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty sớm kiện toàn đội ngũ kiểm soát viên tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cần chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển vốn và nguồn lực của nhà nước.