17:00 01/03/2022

Doanh nghiệp thủy sản “than thở” vì sắp bị thu phí hạ tầng cảng biển

Khởi Anh

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP cho hay, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng vì sắp bị thu phí hạ tầng cảng biển, chính thức từ 1/4. Sau 2 năm vật lộn với Covid -19, giai đoạn này doanh nghiệp cần được khoan sức...

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản lo lắng phí hạ tầng cảng biển
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản lo lắng phí hạ tầng cảng biển

Theo VASEP, trong tuần qua, Hiệp hội này đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc TP.HCM đang có động thái chuẩn bị cho thu phí hạ tầng cảng biển kể từ đầu tháng 4/2022. Trong thư phản ánh gửi tới VASEP, các doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao, không công bằng tại thời điểm này là không hợp lý.

Từ đầu năm 2021 tới tháng 10/2021, hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vừa phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, vừa phải lo trả tiền lương cho công nhân. Cho đến nay, nhiều đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa thực sự hồi phục.

VASEP cũng tiến hành khảo sát, kết quả cũng cho thấy tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đáp ứng được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”.

Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.

Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện “3 tại chỗ”. Cho tới tháng 10/2021, nhiều địa phương thực hiện tiêm phủ vaccine thần tốc thì doanh nghiệp cũng chỉ có thể hoạt động tối đa 60%.

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung. Nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp thủy sản bức xúc phản ánh rằng, đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM (doanh nghiệp ngoại tỉnh) thì bị thu mức phí cao gấp đôi đối với doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM.

Trước đó, nhiều đơn vị đã tính tới việc vận chuyển container (cont) hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng TP.HCM nhưng chi phí sẽ tăng thêm từ 3 - 3,5 triệu đồng/cont. Điều này làm doanh nghiệp ngoài TP.HCM buộc phải chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về địa phương này gây quá tải, có thể dẫn tới ách tắc việc khai báo, chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hiện kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu với phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao là 2.200.000 đồng/cont đối với container 20ft; 4.400.000 đồng/cont đối với container 40ft. Trong khi hàng về kho ngoại quan chủ yếu là container 40 ft.

Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng, TP.HCM cần thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển một cách công bằng và nên áp dụng chung một mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là hợp lý.