Doanh nghiệp trước ngày tăng lương tối thiểu cho người lao động
Theo Nghị định 38, từ ngày 1/7 lương tối thiểu vùng tăng 6%, sau hơn hai năm chưa điều chỉnh. Đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm như thường lệ…
Mới đây, Liên đoàn lao động TP.HCM đã ra Công văn 516 hướng dẫn và giám sát việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2022. Trong đó, có nội dung đáng chú ý như ngoài việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, doanh nghiệp không được hạ bậc lương đang hưởng của người lao động và vẫn đảm bảo thực hiện quy chế xét nâng lương định kỳ đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động…
Đối với các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng... do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật...
DOANH NGHIỆP ĐỒNG TÌNH ỦNG HỘ
Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định về tiền lương tối thiểu vùng, Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP.HCM) đã đề xuất phương án tăng lương cho hơn 2.670 người lao động với chủ doanh nghiệp. Trong thông báo tăng lương từ ngày 1/7 vừa được công bố, tập thể ngươi lao động đều sẽ được tăng từ 260.000 - 572.000 đồng/người/tháng. Ngoài đợt điều chỉnh lương này, Công ty TNHH Lạc Tỷ còn duy trì tăng lương theo niên hạn hàng năm cho công nhân với mức 5%/bậc lương/năm.
Tương tự, Công ty TNHH Hong Ik Vina ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) dự kiến sẽ tăng 260.000 đồng cho tất cả lao động. Hiện, lương cơ bản của công nhân mới vào gần 4,8 triệu đồng. Sau ngày 1/7, mức này sẽ đạt hơn 5 triệu đồng. Lao động càng có thâm niên lương càng cao. Ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “So với các kỳ điều chỉnh lương khác, năm nay cả hai bên đều khó khăn. Nhưng doanh nghiệp khó 5 thì công nhân khó 10, nên công đoàn đã quyết định thương lượng tăng lương với chủ doanh nghiệp. Với 1.400 lao động, trong một năm tới, dự kiến quỹ lương của nhà máy tăng thêm 4,4 tỷ đồng”.
Tại Bình Dương, không chờ đến khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng, một số doanh nghiệp ngay từ đầu năm 2022 đã tăng từ 12% đến 17% lương cho người lao động. Cụ thể, tại Công ty TNHH Gia công răng Thời Đại Kỹ Thuật Số (Khu công nghiệp VSIP, Bình Dương) có khoảng 1,7 nghìn công nhân lao động đã được tăng 17% lương từ đầu năm 2022. Theo đó, từ mức lương cơ bản 5,3 triệu đồng được tăng lên 6,2 triệu đồng. Sở dĩ có mức điều chỉnh lương này vì doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động và thu hút tuyển dụng sau mùa dịch.
Cùng với lý do giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều đồng tình, ủng hộ việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và chia sẻ với người lao động. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Header Plan (H.Vĩnh Cửu), thừa nhận rằng giữ chân người lao động bằng cách tăng lương là một trong những giải pháp của các doanh nghiệp để duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là quan tâm cải thiện các chính sách và phúc lợi lâu dài cho người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp rất đồng tình với quyết định tăng lương trong tháng tới nhằm giúp người lao động có thêm động lực làm việc hiệu quả.
Trong khi đó, Công ty TNHH Giày Dona Standard (H.Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết đơn vị này đã áp dụng chính sách tăng lương 3% cho tất cả người lao động để đảm bảo cuộc sống từ tháng 4/2022. Trước thực trạng vật giá ngày càng tăng làm mức sống của người lao động trở nên chật vật hơn, công ty cũng rất đồng tình với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng và đang lên phương án để điều chỉnh lương cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Phương Giải, Chủ tịch Công đoàn công ty, chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, không còn bất an, lo lắng về kinh tế gia đình thì mới an tâm làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho rằng cùng với tăng lương, Nhà nước phải kiềm chế được lạm phát thì việc này mới có ý nghĩa với người lao động.
TĂNG LƯƠNG NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC TĂNG GIÁ?
Về phía doanh nghiệp, công thức chung được đúc rút là "trả lương cao, sẽ thu hút được nhân tài". Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có tay nghề trong doanh nghiệp rất lớn. Chính vì thế, để thu hút đối tượng lao động này, doanh nghiệp cần có nhiều chính sách đãi ngộ trong đó có tiền lương. “Nếu công đoàn nắm chắc các vấn đề và có kỹ năng thương lượng, đàm phán tốt thì khả năng chủ doanh nghiệp sẽ đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không phải người sử dụng lao động sẽ đồng ý 100% mà sẽ dựa vào kết quả hoạt động, lợi nhuận của doanh nghiệp," bà Trần Thanh Châu, Chủ tịch Công đoàn CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, chia sẻ kinh nghiệm.
Lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng trực tiếp đến mức tiền lương tối thiểu đóng BHXH hàng tháng. Khi lương tối thiểu vùng tăng, người lao động và người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm với mức lương thấp sẽ phải điều chỉnh tăng để đảm bảo cao hơn hoặc bằng mức tiền lương tối thiểu vùng mới.
Trong một diễn biến liên quan, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắk), cho biết việc tăng lương tối thiểu còn có nhiều ý kiến khác nhau. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn bởi chính sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng, khi chi phí đi kèm "đội lên" không hề nhỏ. Tuy vậy, người lao động đang rất "ngóng chờ" chính sách này. Theo bà Xuân, thời gian vừa qua, người lao động đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, như làm việc 3 tại chỗ, tăng giờ làm thêm... Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch và giá hàng hoá tăng cao.
Trao đổi bên lề Quốc hội về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn ĐBQH Đồng Nai), cho rằng đi kèm với niềm vui tăng lương, người lao động cũng không khỏi lo ngại về vấn đề giá cả tăng vọt. "Khi lương vừa tăng, thậm chí chưa kịp tăng thì các mặt hàng ngoài chợ đã tăng giá. Tôi cho rằng, bên cạnh việc tăng lương, cần có các giải pháp để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, cũng như có các chính sách hỗ trợ cho người lao động phục hồi sau gần 3 năm đại dịch,” đại biểu đoàn Đồng Nai kiến nghị.
Bên cạnh đó, sau hai năm vật lộn với dịch bệnh, hiện tại các doanh nghiệp đang tiếp tục “gồng mình” với giá xăng dầu tăng phi mã. Trong bối cảnh đó, việc tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến lương cơ bản tăng, nhưng tổng thu nhập của người lao động lại không tăng do doanh nghiệp không thể chịu đựng được việc tăng chi phí thêm nữa. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích, thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp thậm chí còn có thể bị giảm đi do người lao động phải đóng phần bảo hiểm xã hội nhiều hơn và doanh nghiệp cũng chịu thiệt do phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên mức lương cơ bản. Chỉ người lao động làm việc ở khu vực ăn lương ngân sách là được lợi.
Còn TS. Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định tác động giá xăng dầu tăng bắt đầu ngấm và tác động mạnh đến nền kinh tế. Dự báo từ giữa đến cuối năm, giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng nhanh như lương thực thực phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp... Theo đó, nguy cơ lạm phát cao là khó tránh khỏi. Nhà nước có thể đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn tới bằng các chính sách cụ thể. Đó là giảm ngay thuế phí đánh vào mặt hàng xăng dầu, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Bên cạnh đó là các phương án thiết thực như hỗ trợ giảm chi phí công đoàn, giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất ngân hàng…