Doanh thu thương mại, dịch vụ của Thủ đô phục hồi mạnh
Theo Cục thống kê Hà Nội, trong tháng 01/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước...
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 39,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 9,9% và tăng 20,2%; đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,3% và tăng 13,3%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,7% và tăng 12,9%; đá quý, kim loại quý tăng 2,2% và tăng 45,6%...
Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 2,6%; doanh thu du lịch, lữ hành đạt 430 tỷ đồng, tăng 2,2% và giảm 7,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% và giảm 0,8%.
Doanh thu thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh là do thành phố Hà Nội cùng với cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế từ tháng 10/2021, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần của người dân tăng cao.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội, cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết, các doanh nghiệp khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-15% so với năm 2021.
Đồng thời, đảm bảo tốt nhất nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Thành phố chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Ước tính tổng lượng hàng hoá dự trữ của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán trị giá khoảng 39 nghìn tỷ đồng, tương đương kế hoạch phục vụ hàng hóa Tết năm 2021.
Ngoài ra, Hà Nội triển khai nhiều chương trình, sự kiện lớn nhằm kích cầu tiêu dùng như: Hội chợ hàng nông sản phục vụ Tết, các phiên chợ Tết vào cuối tuần tại các huyện; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động về ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhân dân.
Công tác tổ chức chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được Thành phố đặc biệt quan tâm với 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia Chương trình (30 đơn vị của Hà Nội, 14 đơn vị thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Điện Biên, Bắc Kạn, Nam Định, Bình Thuận), tổng lượng hàng hóa thực hiện đạt 18 nghìn tỷ đồng, đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20 nghìn điểm bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, chợ truyền thống và khu công nghiệp.
Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến nay Thành phố đã tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ, trên 1.800 cửa hàng tiện ích, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các kênh bán hàng đa phương tiện như bán hàng qua website, hotline, ứng dụng trực tuyến… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.