14:24 13/01/2022

Hàng hoá Tết Nhâm Dần 2022 tại TP.HCM: Không lo giá tăng

Mộc Minh

Tại TP.HCM, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 02 - 03 lần so với các tháng bình thường...

TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Các doanh nghiệp tham gia “Chương trình bình ổn thị trường” trên địa bàn TP.HCM cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết Nhâm Dần 2022.

HƠN 7.200 TỶ ĐỒNG HÀNG HOÁ BÌNH ỔN

Sở Công thương TP.HCM vừa ban hành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 02 tháng Tết là 19.881 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 01 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường hơn 4.182 tỷ đồng.

 
Tại các chợ đầu mối, như: Bình Điền đã hoạt động lại từ đêm 31/10/2021, tổng lượng rau củ quả, thủy hải sản ước đạt 1.100 tấn/đêm. Chợ đầu mối Hóc Môn đã hoạt động lại từ 21/10/2021, tổng lượng rau củ quả ước đạt 1.500 tấn/đêm. Ở chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng về điểm tập kết trung bình khoảng 300 tấn/đêm. Hiện có 194/233 chợ truyền thống đã hoạt động.

Với số vốn như trên, các doanh nghiệp bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao. Nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% - 54,5% nhu cầu, như: thịt gia cầm chiếm 54,5%, trứng gia cầm chiếm 47%, thực phẩm chế biến chiếm 28%, thịt gia súc chiếm 21%, dầu ăn chiếm 27,5%, gạo chiếm 31,5%.

Doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ chiếm 60% - 75% thị phần…

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 02 - 03 lần so với các tháng bình thường.

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia “Chương trình bình ổn thị trường” cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết.

Thực hiện giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Tại các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, SATRA, Aeon - Citimart, BigC… dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.

CHỮA LÀNH COVID-19 BẰNG NGHÌN KHUYẾN MẠI

Trên thị trường TP.HCM, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết, như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo… nhằm chung tay bình ổn giá.

 
Hàng hoá Tết Nhâm Dần 2022 tại TP.HCM: Không lo giá tăng - Ảnh 1"Tết 0 đồng
Ngày 08/01/2022, đồng loạt 06 siêu thị mini “Tết 0 đồng” được khai trương tại các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ gia đình, người lao động khó khăn được mua sắm các nhu yếu phẩm để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với gần 50 hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, trái cây, đồ hộp, bánh mứt... đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm bởi các nhà cung cấp uy tín…  

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.

Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng nhóm hàng bình ổn thị trường, gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tại điểm bán lẻ của Saigon Co.op sẽ diễn ra chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn hàng nghìn sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân.

Siêu thị Co.opmart đưa nhiều sản phẩm bổ dưỡng vào hệ thống nhân dịp Tết Nhâm dần 2022 - Ảnh: ITN.
Siêu thị Co.opmart đưa nhiều sản phẩm bổ dưỡng vào hệ thống nhân dịp Tết Nhâm dần 2022 - Ảnh: ITN.

Riêng những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Đối với Hệ thống bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra), theo bà Phạm Thi Vân, Trưởng Ban Quản lý Satra, toàn hệ thống bán lẻ Satra đã chuẩn bị lượng hàng phong phú, chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa giá cả hợp lý. Không để xảy ra tình trạng hàng tăng giá, kém chất lượng, thiếu hụt hàng hóa phục vụ khách hàng trong dịp Tết.

Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5% đến 30%, các mặt hàng còn lại có mức tăng từ 10% đến 30%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống được ưa chuộng dịp Tết gồm: rau củ quả, trái cây, các loại thịt và bia, nước giải khát.

Dự kiến tổng lượng hàng hóa lương thực thực phẩm dự trữ cho 02 tháng (trước và sau Tết Nhâm Dần năm 2022) của Satra (bao gồm Satramart Siêu thị Sài Gòn, Satramart Siêu thị Phạm Hùng, Satramart Siêu thị Củ Chi và chuỗi các cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TP.HCM và TP. Cần Thơ) ước hơn 500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết Tân Sửu 2021.

Tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm không lo về giá, hệ thống siêu thị GO!/Big C và chuỗi siêu thị Tops Market (Tập đoàn Central Retail), đã tung ra hàng loạt chương trình bình ổn giá, thông qua triển khai đồng loạt chương trình khuyến mại, gồm: “Giá luôn luôn thấp”, áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách "Khóa giá," cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh...

Cụ thể, tại những sản phẩm phục vụ Tết, như: bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang.

Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, hệ thống siêu thị cũng đàm phán với mạng lưới nhà cung cấp, đầu mối cung ứng chuẩn bị sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết 2021…

Tại Công ty cổ phẩn Tập đoàn Kido (Kido Group) đã tung ra một loạt sản phẩm mới nhằm kích thích sức mua của thị trường. Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Kido Group, cho biết giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp phải cân đối nhiều giải pháp để bình ổn giá cho những sản phẩm thiết yếu.

Nhiều chương trình khuyến mại Tết 2022 nhằm kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: ITN.
Nhiều chương trình khuyến mại Tết 2022 nhằm kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: ITN.

Năm nay, Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản (Vissan) tham gia bình ổn thị trường với sự chuẩn bị nguồn hàng 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ; 4.200 tấn hàng thực phẩm chế biến, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho biết mọi năm doanh nghiệp có 45 ngày cao điểm sản xuất hàng Tết.

Tuy nhiên, năm nay, chiến dịch hàng tết bắt đầu ngay từ ngày 01/10/2021, tức là kéo dài đến 03 tháng. Sau giãn cách, hàng dự trữ của công ty gần như bằng 0.

Vì vậy, ngay khi TP.HCM mở cửa, công ty đã chuyển trạng thái ngày nào cũng là cao điểm Tết để nâng dần sản lượng hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu thị trường TP.HCM và cả nước. Hiện Vissan vừa tổ chức sản xuất 03 ca để tăng công suất, vừa bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch.

Để vấn đề vận chuyển không bị khó khăn, ngăn cách như trước đây, ông Dũng kiến nghị Sở Công thương TP.HCM nên là cầu nối với tất cả Sở Công thương tại các tỉnh, thành phố khác để có sự liên kết, giúp cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng ra, và đưa hàng đến điểm bán một cách nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

 

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá trong dịp Tết Nhâm Dần 

UBND TP.HCM vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Yêu cầu Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả… Sở Công thương theo dõi sát cung cầu hàng hóa trên địa bàn trước, trong và sau Tết; có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán hoặc dịch bệnh bùng phát.

UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức nắm tình hình giá cả thị trường và nguồn cung hàng hóa tại địa phương… Những trường hợp tăng giá bất thường tại các chợ, siêu thị, nơi vui chơi, giải trí, các nơi mua bán tập trung đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết, giá dịch vụ trông giữ xe hai, bốn bánh; giá cước vận chuyển hành khách… báo cáo ngay về Sở Tài chính và Sở Công thương để có biện pháp xử lý.