Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 60-2021
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 60 phát hành ngày 30-8-2021 với nhiều chuyên mục...
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã duy trì đà tăng trưởng và có một số kết quả tích cực. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 176.828 tỷ đồng; tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp với tỷ trọng giao dịch chiếm 43,7% tổng khối lượng phát hành. Đáng chú ý, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,9% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng 12,7% nhà đầu tư cá nhân năm 2020.
Sự dịch chuyển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng đã và đang phát đi tín hiệu tốt khi mà tính chuyên nghiệp đang ngày càng đươc hoàn thiện và đòi hỏi ngày càng cao đối với các bên tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường, trong đó, có các nhà đầu tư cá nhân. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã nhiều lần khuyến cáo đối với nhà đầu tư mua trái phiếu. Pháp luật cũng quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Sau Đối thoại chuyên đề lần 1 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã nhận được nhiều phản hồi quan tâm và đánh giá cao về thông tin của chuyên đề, có giá trị và hữu ích với các bên liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia thị trường. Đặc biệt, độc giả đề xuất được tiếp nhận thêm các thông tin phân tích chuyên sâu về vai trò, lợi ích, rủi ro và cách thức ứng xử với rủi ro của nhà đầu tư cá nhân trong quá trình tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhằm đóng góp vào nỗ lực chung trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, góp phần quan trọng vào sự cân bằng và bền vững thị trường vốn và tài chính Việt Nam, trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 30/8/2021, Kinh tế Việt Nam bộ mới số 60-2021 sẽ dành trọn 11 trang chuyên mục "Tiêu điểm" cho câu chuyện "Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện & ứng xử với rủi ro".
Các bài viết bao gồm:
- “Trái phiếu có lãi suất cao luôn đi kèm rủi ro cao”. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang đạt tốc độ, quy mô tăng trưởng doanh số gắn với sự đa dạng về ngành, lĩnh vực từ phía nhà phát hành và nhà đầu tư, nhà xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn đó hiện tượng nhà phát hành có năng lực tài chính yếu, đòn bẩy tài chính lớn, thiếu minh bạch, thậm chí “tay không bắt giặc” sử dụng mồi nhử lãi suất cao dẫn dụ những nhà đầu tư cá nhân ít am hiểu đã và đang trở thành mối quan ngại lớn khi vỡ nợ. Phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính xung quanh câu chuyện tạo lập thị trường bền vững mà ở đó, “mảnh ghép” nhà đầu tư cá nhân được ứng xử một cách minh bạch và công bằng. (Ánh Tuyết)
- Trái phiếu doanh nghiệp: “Miếng phô mai không chỉ có trong bẫy chuột”. Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao xưa nay vốn dĩ được xem như “miếng phô mai ngon chỉ có trong những cái bẫy chuột”. Nhắc đến mua trái phiếu doanh nghiệp, đa phần đều lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cá nhân phải cẩn trọng rủi ro, tránh xa kẻo tiền mất tật mang. (An Nhiên).
- Giải bài toán rủi ro giúp nhà đầu tư cá nhân. Suốt thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, tỷ lệ phát hành ra công chúng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đồng thời, để việc phát hành thuận lợi, nhiều doanh nghiệp sử dụng “mồi nhử” lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp hai lần lãi suất huy động của ngân hàng. (Vũ Phong).
- “Ma trận” trái phiếu doanh nghiệp: Cơ hội hay rủi ro? Sự hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư F0, nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, trước “ma trận” trái phiếu, các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường cũng như nhà đầu tư không chuyên đứng trước bài toán “cân não” giữa cơ hội và rủi ro trong đầu tư. (Khánh Vy).
- Trái phiếu doanh nghiệp: trái ngọt hay đắng? Dòng tiền vẫn đang chảy về kênh trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp giải được bài toán vốn, mà còn góp phần giảm gánh nặng đang dồn trên vai hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh luôn đi kèm với rủi ro, đặc biệt rủi ro dành cho đối tượng yếu thế như nhà đầu tư cá nhân. a/b ghi lại các quan điểm của nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp để giúp nhà đầu tư cá nhân nhận diện rõ cơ hội, đánh giá các yếu tố rủi ro, đồng thời thúc đẩy thị trường này ngày càng phát triển. (Nhóm phóng viên thực hiện).
Cùng các bài viết nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2.9:
- Đoàn kết là sức mạnh làm nên chiến thắng. Năm 2021, cả nước hướng tới kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021) trong bối cảnh hết sức đặc biệt và chưa có tiền lệ trong lịch sử. Cả nước, cả hệ thống chính trị và toàn dân lao vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát đầu năm 2020, chưa bao giờ tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của cả dân tộc lại được nhắc đến nhiều như vậy và hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị. (Nguyễn Mạnh).
- Cả dân tộc đồng lòng, chung tay chống dịch. 76 năm sau ngày giành độc lập, nước ta lại đối mặt với một khó khăn, thách thức mới. Lần này là Covid-19, kẻ thù giấu mặt nhưng gây tổn thất về người và thiệt hại kinh tế chưa thể đong đếm hết. Cũng như mọi cuộc chiến, khi có sự đồng lòng của cả dân tộc, Việt Nam sẽ chiến thắng. (Song Hoàng)
- Đòn quyết chiến chiến lược.Đêm 22 rạng ngày 23/8/2021 có thể đi vào lịch sử phòng chống dịch bệnh ở nước ta như thời điểm mở đầu một “trận chiến” mang tính quyết chiến chiến lược chống Covid-19, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một “trận đánh” được xác định phải thắng. Với đội ngũ đông đảo gồm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, thày thuốc (cả dân y và quân y), dân quân tự vệ cùng các lực lượng chức năng khác và đại diện các tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương, lại được triển khai ở một thành phố lớn, đông dân nhất cả nước, “trận đánh” này được coi là đòn “tổng công kích” nhằm vào sào huyệt Covid-19 lớn nhất ở nước ta. (Nguyễn Quốc Uy).
Và các bài viết cho các chuyên mục khác:
- Đòi hỏi một giải pháp thích hợp để chống dịch. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng ngày càng lớn, số doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động ngày càng tăng… đang đặt nền kinh tế vào tình trạng “báo động”. Thay vì giãn cách và truy vết như năm 2020, việc ngăn chặn làn sóng Covid-19 hiện nay đòi hỏi một giải pháp khác thay thế. Phỏng vấn ông Jade Vichyanond, Chuyên gia kinh tế quốc gia về Việt Nam, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO). (Anh Nhi thực hiện).
- Luật Giá (sửa đổi) sẽ tương thích các Điều ước quốc tế. Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) vừa qua, các thành viên Hội đồng đã nhấn mạnh đến mục tiêu sửa đổi là đưa vai trò pháp lý của Luật Giá lên thành luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá, điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quản lý điều hành giá, thẩm định giá. (Công Lý).
- Bộ, ngành “dẫn đầu” vi phạm nhà đất. Hàng loạt yếu kém trong quản lý nhà, đất của nhiều bộ, ngành đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ tại báo báo kết quả kiểm toán 2020 như: Chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, chưa thực hiện tốt việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; Chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa dứt điểm. (Phan Nam).
- Nông sản Việt thêm khó khăn vào thị trường Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Nhưng kể từ năm 2019 đến nay, thị trường này đã tụt xuống vị trí thứ hai. Lý do: bên cạnh việc ngành nông nghiệp nước ta đang có sự chuyển hướng mạnh đến các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, thì còn có nguyên nhân từ việc Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn các quy định đối với nông sản Việt Nam. (Chu Khôi).
- Các “ông lớn” tăng tốc đầu tư vào AI. Trong cuộc Cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số thành công. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đã và đang có những bước đi mạnh mẽ trong đầu tư nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI. (Nhĩ Anh).
- Cưới “trực tuyến” thay dần nếp truyền thống? Lễ cưới “online" là một xu hướng thích nghi với đại dịch Covid, có thể không sang trọng, náo nhiệt nhưng vẫn trang trọng, đầm ấm và hạnh phúc. Hơn thế, đây sẽ là một lễ cưới giản dị và tiết kiệm phù hợp với tình hình mới. (Tường Bách).
- Biến chủng Delta khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thêm rối. Tưởng như chỉ tạm thời, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đang có khả năng kéo dài sang năm 2022 do làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta gây đảo lộn sản xuất tại châu Á và gián đoạn vận tải biển. Điều này đặt ra nguy cơ về những cú sốc mới đối với sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế thế giới khỏi đại dịch Covid-19. (An Huy).