17:07 12/09/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 62-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 62 phát hành ngày 13-9-2021 với nhiều chuyên mục.

 Trước diễn biến dai dẳng của dịch bệnh, cùng với tiến trình vaccine đang được đẩy mạnh tại các vùng bùng phát dịch và nguy cơ cao, Chính phủ Việt Nam thay đổi cách tiếp cận và chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay và trong giai đoạn tới. Đó chính là Chủ động thích ứng và sống chung an toàn lâu dài với Covid-19. Với cách tiếp cận mới này đòi hỏi tính chủ động của người dân và doanh nghiệp cao hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Kinh tế Việt Nam bộ mới số 62-2021
Kinh tế Việt Nam bộ mới số 62-2021

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 13/9/2021, Kinh tế Việt Nam bộ mới số 62-2021 sẽ tiếp tục chủ đề "Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19" với việc ghi lại những giải pháp hiến kế từ doanh nghiệp, các chuyên gia.

Các bài viết bao gồm:

-  Những nghị quyết “bất thường” trong chống dịch Covid-19. Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, số doanh nghiệp đăng ký mới thấp hơn so với số doanh nghiệp tạm ngừng đăng ký kinh doanh và giải thể. Sức chống chịu của người dân và doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn và lún sâu hơn vào khó khăn sau đợt dịch Covid-19 thứ tư. Thực tế này đang đòi hỏi sự ứng xử chính sách chưa từng có tiền lệ, thậm chí là bất thường để “phản ứng” nhanh với đại dịch. (TS.Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global).

- Một phản ứng chính sách linh hoạt có tầm nhìn xa. Chủ trương thay đổi cách tiếp cận và chiến lược phòng chống Covid-19 để chủ động thích ứng và sống chung an toàn lâu dài với dịch bệnh, đồng thời chuyển hướng phòng chống dịch, theo phương châm kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp, với cơ chế “bốn an toàn” không chỉ là một phản ứng chính sách linh hoạt có tầm nhìn xa, mà còn là một quyết sách đúng trong tình hình hiện nay. (Nguyễn Quốc Uy).

- Doanh nghiệp chủ động thích ứng dịch, chờ ngày hoạt động. (Hơn 4 tháng kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp ngày càng sụt giảm và khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong 1-3 tháng tới. Nhiều doanh nghiệp “mong ngóng” chờ ngày được hoạt động trở lại, có thể phục hồi trước khi đi đến bờ vực phá sản). (Ngân Hà).

- Đã đến lúc thay đổi để thích nghi với đại dịch. Đại dịch Covid-19 tạo ra những xáo trộn lớn chưa từng có, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước. Bên cạnh những giải pháp của toàn hệ thống chính trị, đã đến lúc bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính đến câu chuyện thay đổi để sống chung, sống an toàn trong môi trường bị đổi bởi dịch bệnh. (Vũ Phong).

- Nguy cơ vỡ kịch bản tăng trưởng nếu không có vaccine. Một khi xác định chung sống với dịch Covid-19 tức là phải có những biện pháp hài hòa để vừa đủ đảm bảo an toàn mà vẫn phát triển được kinh tế. (Kiều Linh).

- Doanh nghiệp “ngoại đạo” lấn sân cung cấp thực phẩm. Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi cả nước khiến một số hoạt động kinh doanh gần như “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh để tồn tại, giữ chân lực lượng lao động. (Lưu Hà).

- Giữa “giãn cách”: Gắn kết sản xuất – tiêu dùng nông sản. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ liên tục gián đoạn đã khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành chịu tổn thất nặng nề, thậm chí phải dừng sản xuất. Thế nhưng, trong gian nan mới thấy được quyết tâm, nhiều doanh nghiệp vẫn có những cách làm hay để thích ứng và hoạt động hiệu quả. (Chương Phượng).

- Doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược trong đại dịch. Đại dịch Covid còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy “lắng nghe”, theo dõi nền kinh tế, nhất là “lắng nghe” thị trường để điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp cho tương lai… (Vũ Khuê).

- “Bí quyết ” để sống chung với dịch. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa kéo dài có thể đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, lựa chọn giải pháp vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn là tâm thế các doanh nghiệp xác định để sống chung với dịch. (Thu Hằng).

Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- Tăng áp lực giải ngân vốn đầu tư công cuối năm. Giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 8/2021 mới đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch được đề ra trước đó. Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng cuối năm ngày càng áp lực khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. (Anh Nhi).

- Dự báo xuất khẩu cả năm vượt 320 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 được dự báo vượt con số 320 tỷ USD. Kết quả này xuất phát từ hiện trạng 8 tháng và các yếu tố tác động trong 4 tháng cuối năm 2021. (Đỗ Văn Huân).

- “Trụ đỡ” của nền kinh tế đang lung lay. Ngành nông nghiệp được ví như “trụ đỡ” của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu “lung lay” trước tác động mạnh của dịch Covid-19. Minh chứng rõ nét nhất là xuất khẩu của toàn ngành đã “hụt hơi” do khó khăn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ; trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đầu vào lại gia tăng chóng mặt. (Chu Khôi).

- Doanh nghiệp môi giới bất động sản: Bên bờ phá sản. Hơn 80% sàn giao dịch bất động sản không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, 78% phải thực hiện cắt giảm nhân sự; 28% có nguy cơ giải thể, không còn tiền để trả cho nhân viên; 45% lao động trong các sàn thực hiện cắt giảm không còn thu nhập… Các doanh nghiệp môi giới bất động sản đang có nguy cơ phá sản hàng loạt. (Phan Dương).

- Chiến lược “Zero Covid” đổ vỡ, hàng không tính kế sống chung với dịch. Các hãng hàng không đang tính kế sống chung với đại dịch khi việc đạt “Zero Covid” (triệt tiêu số ca nhiễm Covid) là điều không thể, thêm vào đó tàu bay cũng không thể “đắp chiếu” nằm dài mãi. (Ánh Tuyết).

- Chơi golf tại gia giữa “mùa giãn cách”. Với đà phát triển của công nghệ, ngày càng nhiều người chơi tìm đến golf trong nhà. Đặc biệt, đây là hình thức có thể thi đấu một mình, thích hợp với việc phòng dịch Covid-19 ở nhiều nước. (Tường Bách).

- Tấm “khiên” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Các hoạt động làm việc, học tập, giải trí… khi dịch chuyển từ trạng thái offline sang online đều kéo theo rủi ro với người dùng trên môi trường mạng, đặc biệt là với trẻ em. Những mối lo xuất hiện khi trẻ em “sống” quá nhiều trên môi trường mạng nhưng lại thiếu các kỹ năng tự bảo vệ hoặc sự kiểm soát của người lớn. (Đỗ Phong).