CEO May 10: Đóng cửa ngủ đông hay tiếp tục chiến đấu?
Suốt gần 2 năm "xoay vần" vì đại dịch, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 từng nghĩ, đóng cửa ngủ đông có khi tốt hơn là chiến đấu...
Ông Thân Đức Việt chia sẻ những nỗi niềm khó tỏ bày của người lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần May 10, một doanh nghiệp luôn đứng trong Top đầu ngành dệt may Việt Nam, trong suốt gần 2 năm khó khăn "bủa vây" vì Covid tại Phiên hiến kế “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” diễn ra ngày 10/9 do VnEconomy tổ chức.
PHẢI CHIẾN ĐẤU, SỐNG CHUNG VỚI DỊCH
Đặc thù ngành dệt may là sử dụng rất nhiều lao động, vì vậy, cực kỳ khó kiểm soát. Cụ thể, May 10 hiện có 12.000 cán bộ công nhân viên, phân tán trên 7 tỉnh thành phố tại Quảng Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội. Gần đây, May 10 mở rộng thêm cơ sở tại Thái Nguyên, Hà Tĩnh, tổng cộng là 9 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 16+, Hà Nội hiện nay đang áp dụng Chỉ thị 15, 15+.
Đáng quan ngại, theo ông Việt, mỗi tỉnh áp dụng Chỉ thị rất khác nhau, có nơi được mở, có nơi đóng, có nơi vừa đóng vừa mở. Có những địa phương yêu cầu viết cam kết rất chặt, từ phường, xã, quận, huyện, tỉnh, lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra cả nhiễm. “Thực sự, chúng tôi chuẩn bị rất nhiều phương án để chống dịch. Không hình dung được chúng tôi đã làm chặt như thế, mà có ca nhiễm thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm như thế nào”, ông Việt giãi bày.
Hiện May 10 Hà Nội thuộc vùng cam có khoảng 2.000 cán bộ công nhân viên, tiếp tục chia vùng để giãn cách thêm 15 ngày nữa. May 10 đặt mục tiêu sẽ tiến đến vùng xanh, tự đảm bảo, duy trì sản xuất hoạt động kinh doanh, không chỉ để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, mà là duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.
"Tôi đồng ý, không để người dân lơ là chủ quan, nhưng không nên quá nghiêm trọng để tất cả cùng hoảng loạn. Quan trọng nhất, xác định sống chung với dịch. Cần duy trì việc làm cho người lao động để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng quan trọng hơn, đó là khách hàng tin tưởng Việt Nam sẽ là một đất nước an toàn, là một mắt xích quan trọng trong cung ứng hàng của họ".
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10
Tuy nhiên, tại Quảng Bình, từ ngày 27/8, sau khi xuất hiện một số điểm dịch mới, tỉnh đã chính thức đóng cửa toàn bộ, bất luận trong trường hợp nào, doanh nghiệp cũng không được sản xuất. Hiện nay hơn 1.000 lao động tại Quảng Bình không thể đi làm được trong vòng 12 ngày qua. Vì vậy, rất khó để doanh nghiệp nhiều lao động có thể xoay sở.
“Chúng tôi đang trình bày rất nhiều phương án để làm “ba tại chỗ”, cam kết rất nhiều nội dung đảm bảo an toàn trong sản xuất, tạo vùng xanh cho doanh nghiệp. Hy vọng Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình sẽ sớm ký duyệt để chúng tôi duy trì hoạt động sản xuất”, ông Việt kỳ vọng.
Đặc biệt, chi phí sản xuất trong giai đoạn này vô cùng lớn. Trước sức tàn phá của bão dịch, giống như các doanh nghiệp khác, May 10 đang đứng giữa hai con đường, tạm thời đóng cửa hay gắng gượng, xoay xở để tồn tại.
“Đóng cửa ngủ đông có khi tốt hơn là chiến đấu, vì May 10 với 76 năm hình thành và phát triển, gồm nhiều thế hệ, biểu tượng của ngành may mặc thời trang Hà Nội và của cả nước, là một trong những mắt xích quan trọng của trên 66 nhà nhập khẩu và 600 nhà cung cấp trên toàn quốc, nên chúng tôi phải duy trì hoạt động. Chứ làm lãnh đạo như hiện nay, đóng cửa là nhàn nhất”, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ.
NĂNG SUẤT TỤT DỐC, KHÔNG CÕNG NỔI CHI PHÍ, NHIỀU DOANH NGHIỆP TRƯỚC BỜ VỰC PHÁ SẢN
Trước mắt, cho tới khi phổ cập vaccine, doanh nghiệp vẫn cần những biện pháp chống dịch ngắn hạn. Nhiều khách hàng tuyệt đối cấm lao động làm “ba tại chỗ” vì lý do vi phạm nhân quyền, tuy nhiên, có những khách hàng cực chẳng đã do cần hàng gấp, lại cho phép điều này.
"Nếu một người dân tử vong đã rất đau thương với cá nhân và gia đình họ. So sánh này dù khập khiễng, nhưng nếu một doanh nghiệp có vài chục ngàn lao động nếu phá sản, sẽ để lại hệ lụy rất lớn về an sinh xã hội, đói nghèo và bất ổn xã hội sau này. Sức khỏe của doanh nghiệp hiện rất báo động".
Tổng Giám đốc May 10.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc May 10, phương án “ba tại chỗ” hiện chỉ đảm bảo được 30-50% năng suất, nhưng chi phí lại đội lên gấp 4,5 lần, doanh thu thì giảm đến 50%. Rủi ro, nguy cơ lây nhiễm chéo khi thực hiện “ba tại chỗ” rất cao, vì vậy, rất khó để duy trì dài lâu.
Từ tháng 7 đến nay, May 10 phải làm một báo cáo chưa từng có trong tiền lệ ngành may mặc, đó là báo cáo về tỷ lệ tiêm vaccine trong số người lao động.
Ông Việt cho biết, nếu có tỷ lệ tiêm vaccine cao, đối tác sẽ đặt hàng đến quý 4/2021, quý 1, 2/2022. Nếu không có, sẽ đóng "sập cửa", chấm dứt hợp đồng. May 10 luôn nhận được câu hỏi từ phía đối tác, bao giờ Chính phủ kiểm soát được dịch, bao giờ May 10 sản xuất ổn định, hoặc tỷ lệ sản xuất ổn định là bao nhiêu. Quý 1, 2/2022 tới đây thực sự rất khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu.
Còn với phương pháp “một cung đường, hai điểm đến”, lãnh đạo địa phương nói không cấm doanh nghiệp, vẫn cho phép doanh nghiệp hoạt động bình thường. Nhưng sự thật, doanh nghiệp được hoạt động, nhưng người lao động lại bị xã, phường, thôn yêu cầu ở đâu ở yên đó, không cho đi làm.
Bên cạnh đó, ông Việt cho biết thêm, khó khăn lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là tiếp cận vaccine. Nếu không tiếp cận được vaccine, có lẽ câu chuyện sẽ dây dưa mãi. Doanh nghiệp có một ca F0, ngay lập tức đóng cửa từ 1-3 ngày để xét nghiệm, sau đó chờ kết quả xét nghiệm, truy vết, phân loại F0, F1, F2, tạm dừng sản xuất, rồi xây dựng phương án, doanh nghiệp thực sự chịu không nổi. Người lao động lo lắng, sợ lây nhiễm cũng không chịu đi làm.
Hiện 90% lao động May 10 Hà Nội đã tiêm một mũi vaccine nhưng lao động May 10 tại Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Bình, Bắc Ninh vẫn chưa được tiêm vaccine. Tiếp cận nguồn vaccine tại các tỉnh nguy cơ thấp hơn rất khó. Tôi cho rằng, cần xây dựng vùng xanh chắc chắn, chứ không chập chờn. Nếu chúng ta đi trước một bước, sẽ rất chắc chắn trong khâu phòng chống dịch, còn nếu để đến khi không kiểm soát nổi mới có vaccine, như vậy là quá muộn.
Thời gian vừa qua, những khó khăn của doanh nghiệp không chỉ ngành may mặc, mà của cả cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày, thủy sản, đặc biệt khu vực TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh miền Nam với thời gian giãn cách đến 2 tháng như vừa qua, thực sự khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nếu không quay trở lại phục hồi sớm, sống chung với dịch, nguy cơ phá sản rất cao.
MỖI DOANH NGHIỆP LÀ MỘT PHÁO ĐÀI CHỐNG DỊCH
Để sống chung với đại dịch, ổn định sản xuất, theo Tổng Giám đốc May 10, nếu giao trách nhiệm chống dịch cho địa phương, thì cũng nên giao trách nhiệm cho doanh nghiệp. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ chức là một pháo đài.
"Tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp cũng là một pháo đài chống dịch. Nếu chúng tôi làm tốt, không chỉ duy trì được sản xuất kinh doanh, mà vẫn đảm bảo chung tay phòng chống dịch với Chính phủ. Cần chia theo địa giới hành chính để trị con virus này, còn nếu vẫn áp dụng phong tỏa cả cả một địa phương, một tỉnh, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng", ông Việt nhấn mạnh.
“Chúng tôi xin đề xuất một phương án là tự chủ động điều trị F0, lẫn phòng chống dịch bệnh. May 10 có một phòng khám đa khoa 12 y bác sĩ, tương đương bệnh viện cấp huyện, vì vậy, có thể tự chủ động được cơ sở vật chất y tế, phòng chống dịch".
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10.
Trước đây, chúng ta chưa có câu chuyện F0 chữa tại nhà, nhưng hiện nay đã có. Tại sao không có câu chuyện F0 chữa tại tổ chức?
Tuy nhiên, không dễ để các doanh nghiệp khác có điều kiện như May 10 để thực hiện. “Hoặc đối với doanh nghiệp May 10 Hà Nội thì dễ, nhưng May 10 Quảng Bình, chúng tôi không làm được, vì điều kiện cơ sở vật chất không có. Khi xây nhà máy, chúng tôi đâu nghĩ câu chuyện xây chỗ ở cho người lao động”, ông Việt cho hay.
Bên cạnh đó, theo Tổng Giám đốc May 10, hiện vaccine nội địa không được phê duyệt khẩn cấp, chúng ta cần rút ngắn quy trình này lại, trong bối cảnh vaccine nhập khẩu không đủ. Nếu có vaccine nội địa, May 10 tiên phong tiêm đầu tiên, kể cả xung phong thử nghiệm. Nếu không có vaccine, dù Chính phủ đưa ra giải pháp sống chung với dịch, chắc chắn nền kinh tế và sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong câu chuyện “tắt-bật”.
Bên cạnh đó, trước tình thế cấp bách, sức ép mang tên Covid, dù muốn hay không, doanh nghiệp cũng bắt buộc phải tiến hành chuyển đổi số.
Trước đây, đối với hàng may mặc, khách hàng cử những chuyên gia kỹ thuật kiểm hàng đến May 10 để kiểm tra từng chiếc áo sơ mi, từng bộ vest, từng đường kim mũi chỉ.
Nhưng hiện nay, “do ngăn sông cấm chợ, chúng tôi kiểm hàng online 100%. Chúng tôi kiểm hàng tại May 10 sau đó ghi hình, chuyển cho khách hàng. Nhưng đây là rủi ro rất lớn, bởi nếu không đảm bảo về chất lượng, khách hàng không tin tưởng May 10, thì khi xuất hàng sang đến nước của họ, sau 1 tháng có thể đền những đơn hàng vài triệu đến hàng chục triệu USD”, ông Việt nói. May 10 thực hiện chuyển đổi số toàn diện, từ khâu thiết kế mẫu, duyệt mẫu, sản xuất, giao hàng, các công đoạn được đẩy nhanh.
Ngoài ra, trước đây, từ lúc ký đơn hàng đến lúc giao hàng là 6 tháng, từ đặt hàng nguyên phụ liệu, vận chuyển về, đưa vào sản xuất rồi giao thành phẩm. Tuy nhiên, nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, nay sản xuất nhưng không biết ngày mai có bị đóng cửa? Vì vậy, doanh nghiệp phải linh hoạt trong sản xuất.
Trước kia, một chu trình sản xuất của May 10 kéo dài từ 3-6 tháng nhưng từ năm 2020, công ty đã xuất hiện khái niệm "ngay và luôn", thậm chí làm ngày hôm nay không biết ngày mai thế nào, để linh hoạt toàn bộ chuỗi sản xuất. Vaccine tất nhiên không phải là tất cả, nhưng ít nhất trả lời được câu hỏi của doanh nghiệp, ổn định sản xuất trong vòng bao lâu.