Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 với nền kinh tế, doanh nghiệp, là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia. Đặc biệt là không để giảm, hạn chế tối đa giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống. Những chỉ đạo này rất quyết liệt. Vì nếu chỉ cần hàng dệt may sang chậm hàng, không kịp mùa noel năm nay hoặc vụ xuân hè sang năm thì chúng ta biết chắc thị trường Mỹ họ sẽ không ngồi đợi chúng ta được mà sẽ đi đặt hàng chỗ khác ngay. Ta sẽ mất thị phần, doanh nghiệp gặp khó khăn 2022.
Chúng tôi cũng dự báo khó khăn với hợp đồng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ dừng lại quý 4/2021 mà có lẽ hợp đồng theo thời vụ cả ở quý 1/2022. Nếu chúng ta có 150 triệu liều vaccine từ nay đến hết tháng 12/2021 thì hết quý 1/2022 mới hết khó khăn, còn nếu không có vaccine thì cuối cùng chi phí tốn rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ 6/9 vừa qua, bên cạnh báo cáo kinh tế xã hội 8 tháng và dự kiến 4 tháng còn lại, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có các biện pháp hỗ trợ cụ thể, trình cơ quan có thẩm quyền để năm 2022, 2023 phục hồi được kinh tế, cuối năm 2023 hồi phục trở lại như thời điểm tháng 12/2019.
Tất cả những điều này đều dựa trên nền chuyển từ “Zero Covid” sang sống chung với Covid-19, có phương tiện để chuyển từ đại dịch thành dịch cúm thông thường, đến mùa lại bùng phát theo tiêu chuẩn của WHO nên vaccine cần có để còn phát triển kinh tế. Chính phủ cũng thành lập tổ để từ nay cuối năm cố gắng bằng tất cả các nguồn từ ngoại giao nhân dân, Chính phủ, qua các doanh nghiệp để tiếp cận được các nguồn vaccine.
Nhưng nếu không có vaccine, Việt Nam không tự lực được thì tất cả các kịch bản kinh tế mà chúng tôi xây dựng lên đều có nguy cơ bị phá. Phải có sự kết hợp hài hòa giữa chuyên môn y tế lẫn vĩ mô mới có thể hỗ trợ cho kinh tế phát triển được.
Nhìn chung trên thế giới đang có 2 chiến lược chống dịch Covid-19 gồm “Zero Covid” và “sống chung với Covid-19”. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm thứ hai bởi lẽ người dân còn giao lưu với nhau thì virus hiển nhiên vẫn tồn tại. Trong một giai đoạn nào đó có thể đưa số lượng ca nhiễm về 0 nhưng chỉ là trì hoãn để tìm ra một biện pháp an toàn hơn, hiệu quả hơn chứ không phải biện pháp lâu dài.
Theo quan điểm này, tôi nghĩ đầu tiên chúng ta phải nhận diện rõ kẻ thù và nhận diện rõ con đường lây. Đến nay, chưa có bất cứ một thông tin nào cho thấy Covid-19 lây qua con đường khác ngoài đường hô hấp, chủ yếu vẫn là giọt bắn, cho dù giọt bắn lớn hay giọt bắn nhỏ.
Sau khi nhận diện rõ hai yếu tố trên, chúng ta phải lựa chọn giải pháp sao cho đúng, cho trúng. Ví dụ, việc vệ sinh môi trường, những vật dụng xung quanh là điều rất tốt, nhưng nó chỉ hiệu quả trong phạm vi nhỏ. Còn nếu khử khuẩn trên diện rộng ở ngoài đường phố thì không có nhiều tác dụng mà lại gây lãng phí nguồn lực, tức nhận diện đúng địch nhưng chưa đưa được giải pháp đúng.
Theo tôi để sống bền vững, lâu dài với dịch thì chỉ có 3 giải pháp. Thứ nhất, vaccine là vũ khí chiến lược, cần được phải triển càng nhanh càng tốt và triển khai trên diện rộng.
Thứ hai, cá nhân hóa phòng chống dịch. Mỗi cá nhân, mỗi người lao động an toàn có nghĩa doanh nghiệp an toàn, cộng đồng an toàn. Mọi người phải biết cách tự bảo vệ mình bằng ý thức tiêm vaccine, thực hiện nghiêm chỉnh 5K, tự tăng cường sức khỏe…
Thứ ba, bảo vệ đối tượng yếu thế. Do Covid-19 tấn công vào các đối tượng không giống nhau, 70% những người khoẻ mạnh bình thường không có triệu chứng. Nếu làm tốt điều này, tỷ lệ tử vong chắc chắn sẽ giảm xuống, đồng thời giảm tải áp lực đang dồn lên đôi vai của ngành y tế.
Rõ ràng, trước đây, thành tích chống dịch của chúng ta rất tốt. Doanh nghiệp có quãng thời gian rất dài để tận dụng lợi thế để gia tăng sản xuất, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Nhưng chính điều này cũng tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Do doanh nghiệp tập trung sản xuất cho phần thiếu hụt của thế giới, do đó, chúng ta không tận dụng thời gian, nguồn lực, một phần chủ quan, để tập trung vào xây dựng quy trình sản xuất an toàn.
Khi Việt Nam đưa ra mô hình “ba tại chỗ”, thực sự không nơi nào trên thế giới cũng như các doanh nghiệp của chúng tôi thực hiện mô hình này. Bởi việc cho công nhân, người lao động ăn ngủ tại cơ sở sản xuất, như luật của Mỹ mà nói, là lao động cưỡng bức. Các doanh nghiệp cố gắng dùng áp dụng mô hình “một cung đường, hai điểm đến” cũng gặp không ít khó khăn.
Nếu Việt Nam không đảm bảo kỳ vọng của các thị trường trọng yếu, hay không đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung đang có hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, Chính phủ Mỹ cũng như doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp đa quốc gia khác không thể duy ý chí mãi. Họ không thể hỗ trợ một quốc gia, một thị trường nào đó không nhìn thấy hiệu quả. Do đó, Việt Nam bắt buộc phải tính đến tái mở cửa, tái hoạt động, không phải là sắp tới, mà ngay từ bây giờ và có kế hoạch rõ ràng. Câu chuyện “tắt-bật” nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa, bởi đặc thù sản xuất kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp cần sự ổn định và khả năng dễ đoán định.
Bài học hiện nay là chúng ta phải xác định sống chung với dịch, mà cầu nối là giải pháp làm sao để vừa không ảnh hưởng đến kinh tế và an sinh xã hội một cách không đáng có. Tất nhiên mỗi nơi sẽ có những cách ứng phó khác nhau và đáp ứng theo từng nguy cơ dịch bệnh.
Về vấn đề dịch tễ chúng ta đã nói rất nhiều trong vòng 2 năm qua, tuy nhiên về cơ bản virus vẫn là lây theo đường hô hấp, qua giọt bắn rất nhỏ, và tiếp xúc gần, chứ rõ ràng virus không thể tự lây từ phân xưởng, xí nghiệp này sang một xí nghiệp khác nếu không có tiếp xúc. Vì vậy, cách phòng dịch có hiệu quả vẫn là 5k (khẩu trang – khoảng cách - khử khuẩn – không tụ tập – khai báo y tế). Đặc điểm của biến chủng Delta lần này là tốc độ lây nhiễm lớn, một người có thể lây cho từ 6 – 10 người, vì vậy khi biến chủng xâm nhập vào doanh nghiệp đã lây lan rất nhanh và mạnh.
Do đó, tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là vaccine, phải đưa vaccine vào với mức độ khác nhau tùy tình hình của mỗi địa phương. Tuy nhiên, chúng ta không nên thổi phồng quá về tác dụng của vaccine, bởi vì theo các nghiên cứu thì hiện nay người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm, thậm chí họ có nồng độ virus tương đương với những người chưa tiêm bị nhiễm Covid-19, nhưng vaccine có khả năng làm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong.
Một vấn đề cần lưu ý nữa đó là để đạt miễn dịch cộng đồng thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt từ 70% dân số, Việt Nam hiện nay chưa đạt được tỷ lệ này, có thể chúng ta mới đạt tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành phố khác.
Với những địa phương đã có độ phủ vaccine lớn, chúng ra nên xem xét có quy trình cho phép những người đã tiêm đủ hai mũi được đi lại làm việc, sản xuất kinh doanh bình thường, và khi đến khu vực chưa đạt tỷ lệ tiêm thì quản lý ra sao.
Phương án “ba tại chỗ” chỉ đảm bảo được 30-50% năng suất, nhưng chi phí tăng lên gấp 4,5 lần, doanh thu thì giảm 50%. Rủi ro, nguy cơ lây nhiễm chéo khi thực hiện “ba tại chỗ” rất cao, rất khó để duy trì dài lâu. Còn thực hiện phương pháp “một cung đường, hai điểm đến”, lãnh đạo địa phương nói không cấm doanh nghiệp, vẫn cho phép doanh nghiệp hoạt động bình thường. Nhưng sự thật, doanh nghiệp được hoạt động, nhưng công nhân bị xã, phường, thôn yêu cầu ở đâu ở yên đó, không cho đi làm.
Nếu giao trách nhiệm cho địa phương, thì cũng nên giao trách nhiệm cho doanh nghiệp. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ chức là một pháo đài. Tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp cũng là một pháo đài chống dịch. Nếu chúng tôi làm tốt, không chỉ duy trì được sản xuất kinh doanh, mà vẫn đảm bảo chung tay phòng chống dịch với Chính phủ. Tôi cho rằng cần chia theo địa giới hành chính để trị con virus này, còn nếu vẫn áp dụng phong tỏa cả cả một địa phương, một tỉnh, chắc chắn doanh nghiệp ảnh hưởng.
Trước đây, chúng ta chưa có câu chuyện F0 chữa tại nhà, nhưng hiện nay đã có. Tại sao không có câu chuyện F0 chữa tại tổ chức? Chúng tôi xin đề xuất một phương án là tự chủ động điều trị F0, lẫn phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi có một phòng khám đa khoa 12 y bác sĩ, tương đương bệnh viện cấp huyện, vì vậy, có thể tự chủ động được cơ sở vật chất y tế, phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, vaccine nội địa không được phê duyệt khẩn cấp. Chúng ta cần rút ngắn quy trình này lại, trong bối cảnh vaccine nhập khẩu không đủ. Nếu có vaccine nội địa, May 10 tiên phong tiêm đầu tiên, kể cả xung phong thử nghiệm. Nếu không có vaccine, tôi khẳng định dù Chính phủ đưa ra giải pháp sống chung với dịch, chắc chắn kinh tế và sản xuất vẫn trong câu chuyện “tắt-bật”.
Biện pháp chống dịch trong nhiều trường hợp chưa thống nhất giữa các địa phương, giữa các ngành, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp khi các biện pháp chống dịch không phù hợp và cả phương tiện khi tiếp cận vaccine.
Doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ cách đi mới của Chính phủ, chuyển sang thích ứng, chủ động sống chung với dịch bệnh lâu dài. Tuy nhiên, họ muốn được Chính phủ giao trách nhiệm, quyền lớn hơn, tin tưởng với doanh nghiệp hơn.
Đồng thời, Chính phủ cần có hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện biện pháp hòng chống dịch bệnh, bảo vệ doanh nghiệp, xây dựng kịch bản thích ứng, phù hợp với rủi ro dịch bệnh, giúp nền kinh tế phát triển đồng đều thời gian sắp tới. Đặc biệt, các hướng dẫn này phải được công khai minh bạch.
Doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều thách thức. Khó khăn hiện nay chúng tôi đánh giá lớn nhất là bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng đã xác định tâm thế sẽ phải sống chung với dịch để thích ứng với bối cảnh mới.
Do đó, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay cần hiện thực hóa giải pháp bằng những quy định, cách làm cụ thể và đưa vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, phải có tính nhất quán, xuyên suốt trong các giải pháp từ cấp trung ương cho đến các tỉnh, thành phố, thậm chí đến những cấp nhỏ hơn như xã, phường, đây là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng đề xuất cần chia nhóm đối tượng để có cách giải quyết chuyên biệt, với nhóm doanh nghiệp phải thiết kế chính sách phù hợp và rất cấp bách, Chính phủ, các Bộ ngành cùng đồng hành. Thực sự là doanh nghiệp cũng không khác gì người dân, bởi vì doanh nghiệp nếu không có lực lượng lao động, hàng hóa tắc nghẽn thì câu chuyện cũng nguy cấp như “không có oxy để thở”.
Doanh nghiệp có quy mô hoạt động càng rộng thì mức độ tác động đến những thành phần có liên quan càng lớn nếu không được tháo gỡ khó khăn kịp thời. Điều này cũng giống như việc doanh nghiệp bị “tắc oxy và mạch máu”.
Mặc khác, cần tập trung vào thiết kế chuỗi cung ứng theo tính chất khu vực và có sợi dây kết nối xuyên suốt trong toàn quốc, hệ thống này bắt buộc chúng ta phải tính toán một cách tổng thể, vì nền kinh tế không thể vận hành nếu chuỗi cung ứng hàng hóa, logistics bị đứt gãy.
Như vậy, đối tượng nào, bao nhiêu phần trăm dân số tham gia vào chuỗi cung ứng đó cần được lên phương án để tiêm vaccine, đảm bảo chuỗi này được hoạt động thông suốt.
Về thủ tục, chúng tôi cũng cho rằng cần phải đưa số hóa vào, nhằm đơn giản nhất có thể để doanh nghiệp tiếp cận, giảm chi phí hành chính, có như vậy hàng hóa mới được lưu thông nhanh nhất, còn nếu doanh nghiệp có vaccine mà chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì cũng không hoạt động được.
Việc thực hiện các đợt giãn cách xã hội liên tục và kéo dài nhiều tháng nay cũng như vật liệu xây dựng không được xếp vào nhóm hàng thiết yếu đã buộc các cơ sở sản xuất - kinh doanh của Công ty tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng và đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Doanh thu bán hàng 8 tháng đầu năm dự kiến giảm hơn 50% so với cùng kỳ, trái ngược với đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Kế hoạch phát triển sản phẩm mới theo lộ trình R&D hàng năm cũng bị chậm lại từ 6 tháng – 1 năm so với kế hoạch ban đầu do thiếu sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài trong việc nâng cấp dây chuyền công nghệ cho sản phẩm mới.
Mặc dù, Công ty vẫn duy trì ổn định các đơn hàng với các khách hàng cũ; tuy nhiên, kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn không đạt như kế hoạch. Lý do là bởi đối tác nước ngoài không thể tới Việt Nam để thẩm định năng lực của doanh nghiệp trong khi việc tương tác online còn nhiều hạn chế và thời gian gửi mẫu đi nước ngoài cũng lâu hơn thời kỳ trước Covid-19. Trong khi đó, Trung Quốc và một số nước trong khu vực đã vào giai đoạn phục hồi khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị mất nhiều cơ hội cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Dù dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp song Công ty luôn ở tâm thế sẵn sàng để hoạt động trở lại khi điều kiện cho phép. Theo đó, cùng với việc tuân thủ quy tắc phòng chống dịch đảm bảo môi trường làm việc an toàn trong công ty, chúng tôi sẽ cùng các đối tác, nhà cung cấp, đại lý thiết lập các biện pháp chung trong công tác phòng chống dịch từ hoạt động giao nhận, vận tải, kiểm tra chất lượng, bảo hành... để tránh ảnh hưởng chéo lẫn nhau.
Việc hoàn thành mũi vaccine thứ 2 cho người lao động rất quan trọng nên doanh nghiệp mong muốn nhà nước tăng tốc các hành động để giúp người lao động và doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất.
Biện pháp “3 tại chỗ” nếu vẫn áp dụng kéo dài thì cần được linh hoạt hơn trong việc luân chuyển nhân sự để tạo tâm lý tốt cho người lao động và doanh nghiệp dễ dàng thay đổi lao động khi cần thiết. Hơn nữa, việc tiếp tục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dù điều kiện khó khăn cũng chính là giúp Nhà nước chống dịch, duy trì nguồn thu nhập cho các lao động, đảm bảo an sinh xã hội và hạn chế các tệ nạn.
Trong bối cảnh nguồn tiền doanh nghiệp suy giảm sau nhiều tháng tạm dừng hoạt động, chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét miễn đóng kinh phí công đoàn và giảm 50% các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân cho người lao động; đồng thời, giảm 50% tiền thuê đất cho hai năm 2021 và 2022 và xin giãn thời gian nộp 6-12 tháng.