Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2022
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 14 phát hành ngày 04-04-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Từ giữa năm 2021 đến nay và đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2022, giá hàng hóa cơ bản, xăng dầu, lạm phát và bất ổn địa chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng rất phức tạp.
Với tình trạng hiện nay, giới phân tích nhận định Việt Nam đang hội tụ đủ 3 yếu tố cơ bản gây áp lực lên lạm phát gồm" chi phí đẩy - cầu kéo - tiền tệ, trong đó, chi phí đẩy được lưu ý là yếu tố chi phối.
Trong số báo đặc biệt phát hành vào sáng thứ Hai, ngày 4/4/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm với chủ đề: "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy" để cập nhật những diễn biến xung quanh câu chuyện lạm phát hiện nay, những góc nhìn khách quan từ các chuyên gia độc lập, các hiệp hội ngành hàng...
Các bài viết bao gồm:
- Lạm phát Việt Nam là “làn gió ngược” trong xu hướng toàn cầu?Diễn biến lạm phát Việt Nam trong năm 2022 đang có những yếu tố hỗ trợ nhất định khi so sánh với tương quan lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều khả năng lạm phát sẽ không còn có thể duy trì mặt bằng thấp như trong thời gian vừa qua... (Hoàng Nữ Ngọc Thủy - Lương Minh Hiển, Hiệp hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam - VIRA).
- CPI tăng 1,92%, áp lực lạm phát vẫn khá lớn. Đến nay mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Do đó, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022. (Vũ Khuê).
- “Bão dịch” vừa qua, “bão giá” lại ập đến. Năm 2022, khi đã vượt qua đỉnh dịch Covid -19, nhiều công nhân hy vọng cuộc sống của họ sẽ dễ thở hơn. Nhưng “ bão dịch” vừa tạm qua thì “bão giá” lại ập đến. Mỗi bìa đậu, mớ rau, con cá, lạng thịt đều phải cõng thêm chi phí, nên giá vùn vụt tăng theo. Cố gắng xoay xở, tăng ca, buôn bán lặt vặt để kiếm thêm là tất cả những gì mà người lao động có thể làm để chờ “bão giá” đi qua. (Châu Anh).
- Thận trọng điều hành giá ngăn “vòng xoáy” lạm phát. “Cơn sốt” giá nguyên, nhiên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến “vòng xoáy” lạm phát do chi phí đẩy lan dần hiện là mối lo lớn nhất với cơ quan quản lý. Những tháng còn lại của năm 2022 đòi hỏi công tác điều hành giá linh hoạt, thận trọng và tuyệt đối không lơ là, chủ quan cùng sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương. (Ánh Tuyết - Thu Hằng).
- “Ghìm cương” lạm phát quanh 4%: Khó nhưng có thể đạt được. Chi phí đẩy, cầu kéo, tiền tệ là ba yếu tố cơ bản gây áp lực lạm phát Việt Nam, chưa kể yếu tố kỳ vọng cũng tác động không nhỏ đến tâm lý người dân khiến cho mục tiêu lạm phát bình quân 4% mà Quốc hội thông qua đầu năm 2022 khó mà thực hiện được. Trong khi đó, căng thẳng Nga - Ukraine chưa rõ khi nào kết thúc khiến giá xăng dầu, hàng hóa vốn đã làm cả thế giới náo loạn thời gian qua lại trở nên khó lường hơn bao giờ hết. (Kiều Linh – Nguyễn Tuyến).
- Kiểm soát lạm phát trước “cơn bão giá”. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, diễn biến lạm phát của Việt Nam có rất nhiều điều đáng phải lưu tâm. Nếu như giai đoạn 2008-2010 nguyên nhân lạm phát được ghi nhận là do “mồi lửa” từ cung tiền thì hiện tại, có vẻ như những yếu tố nguy cơ đã hội tụ đủ gồm cầu kéo, chi phí đẩy và một phần ở cung tiền. Mặc dù các yếu tố nguy cơ này chưa đủ để làm lạm phát bùng cháy nhưng chắc chắn nó đang phả hơi nóng vào nền kinh tế nước ta. Để làm rõ bức tranh lạm phát hiện nay, cũng như mong muốn đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu kiểm soát lạm phát, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã ghi lại ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp. (Đào Vũ).
Ngoài ra, một phụ trương về Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022 và Gala chương trình Rồng vàng sẽ phản ánh toàn cảnh về bức tranh thu hút vốn FDI tại Việt Nam với những câu chuyện thực tế từ doanh nghiệp, từ các địa phương thuộc nhóm đầu về thu hút vốn FDI và những khuyến nghị từ các tổ chức tư vấn cũng như những định hướng chính sách từ các cơ quan quản lý.
Các bài viết bao gồm:
- Vạn sự thành công bởi chữ đồng. Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022 (Vietnam Connect Forum) lần thứ hai với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times đồng tổ chức dự kiến diễn ra vào ngày 8/4 tới. Phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn xung quanh chủ đề của diễn đàn này. (Nguyễn Tuyến).
- FDI “chắp cánh” cho nền kinh tế xanh. Các dự án đầu tư trực triếp nước ngoài (FDI) bắt đầu có sự dịch chuyển từ nâu sang xanh với sự xuất hiện của các dự án năng lượng sạch, các mô hình khu công nghiệp sinh thái… Dù vậy, Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để bảo đảm sẵn sàng phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư, kể cả FDI, hướng tới kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.(Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).
- Vốn FDI chất lượng cao tiếp tục đổ vào Vĩnh Phúc.Mặc dù chỉ có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới vào Vĩnh Phúc trong 3 tháng đầu năm nhưng đây đều là những dự án chất lượng cao. (Khánh Vy).
- Đất lành Thanh Hóa, dang tay đón các dự án “FDI xanh”. Để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Mặc dù gặp khó trong hai năm đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn coi Thanh Hóa như một điểm đến lý tưởng. Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chia sẻ về việc thu hút đầu tư trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. (Việt Hoàng).
- Nghệ An đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng để đón “đại bàng”. Nghiêm túc lắng nghe, chủ động triển khai, nỗ lực hành động… là những tiêu chí quan trọng để tỉnh Nghệ An sẵn sàng tâm thế đón dòng vốn FDI xanh, sớm lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. P/v ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An về các kế hoạch chuẩn bị của địa phương này để thu hút đầu tư trong thời kỳ hậu đại dịch. (Hoàng Việt).
- Đồng Nai, Hà Nam: Chuẩn bị tốt nhất đón làn sóng FDI. Trong gần hai năm vừa qua, khi phải đối mặt với Covid-19, hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong nước và nước ngoài đều gặp khó khăn, nhưng rất nhiều ý tưởng sáng tạo đã được thúc đẩy triển khai thành công trên thực tiễn, không chỉ giữ vững động lực tăng trưởng tại địa phương mà còn thể hiện tinh thần đồng hành sát cánh với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Dưới đây là chia sẻ quan điểm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Hà Nam. (Hồng Vinh – Khởi Anh).
- Vinh danh doanh nghiệp Rồng Vàng 2022- Kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh. Nhiều dự án đang dịch chuyển theo xu hướng chuyển đổi mô hình đầu tư từ “nâu” sang “xanh” theo cách riêng có, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “xanh” bằng những giải pháp hoàn toàn mới, phù hợp, nhiều giải pháp tiên phong. (Nguyễn Loan).
- Chuyển hướng sang kinh tế xanh, Việt Nam thêm cơ hội hút vốn FDI. Dù được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới, nhưng theo các chuyên gia, để thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững và ít phát thải khí nhà kính. (Ngân Hà).
- Vốn FDI vào startup xanh ngày một nhiều. Startup xanh – doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế xanh, tăng trưởng xanh tại Việt Nam, đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển khi các dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ưu tiên chảy về lĩnh vực này ngày một nhiều. (Thu Hoàng).
- Khơi dòng vốn FDI vào startup công nghệ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngày càng nhiều. Việc thu hút nguồn vốn này vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt cũng không quá khó. Tuy nhiên, để nguồn vốn nước ngoài này “chảy” vào các startup công nghệ một cách có hiệu quả, thực sự là “bệ phóng” cho startup Việt thì vẫn cần khơi thông một số “điểm nghẽn”, nhất là về pháp lý hay mô hình hệ sinh thái của startup công nghệ. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy ghi lại ý kiến của người trong cuộc về câu chuyện khơi dòng vốn FDI vào startup công nghệ Việt.(Đức Phan – Hoàng Thu – Thủy Diệu).
- Tăng trưởng xanh đòi hỏi sự đồng bộ nhiều giải pháp. Dù số lượng doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh tại Việt Nam ngày một gia tăng nhưng so với yêu cầu thực tế thì con số này vẫn còn khiêm tốn. Phát triển kinh tế xanh cần sự đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách và hội tụ đầy đủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, nhân lực… (Song Hà).
- Đầu tư xanh thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đại diện các nhà đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút vốn FDI sau đại dịch khi đầu tư xanh - tăng trưởng xanh đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. (Ngọc Lan – Huyền Ngân).
Cùng các tin bài hấp dẫn khác:
- Tăng trưởng kinh tế đã có đà. Tốc độ tăng trưởng GDP 5,03% trong quý 1/2022 chưa phải là con số ấn tượng, nhưng thực sự đã là “cánh chim báo tin vui” trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chật vật với hành trình vượt khó, sau hơn hai năm “ngạt thở” vì Covid-19, và đang tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị giảm tốc, nếu lạm phát “sổng chuồng”. Đây là mức tăng trưởng kinh tế quý 1 cao nhất trong ba năm, kể từ 2020, khi đất nước bắt đầu lâm dịch. (Chỉ số này của các năm 2020 và 2021 là 3,66% và 4,72%). (Nguyễn Quốc Uy).
-Dư địa tăng trưởng vẫn khá lớn. Tăng trưởng GDP quý 1/2022 bật tăng sau hai năm chống chịu với đại dịch Covid-19. Mặc dù xung đột Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng… gây áp lực tới mục tiêu GDP song dư địa tăng trưởng những tháng còn lại vẫn khá lớn. P/v ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê. (Anh Nhi).
- Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2022 đã phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao và nhanh hơn, niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục được củng cố. Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy vậy, đây mới chỉ là những bước khởi đầu cho cả chặng đường dài phía trước được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. (Mạnh Đức).
- Quý 1/2022: Ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,45%. Trong quý 1/2022, sản xuất nông nghiệp có những diễn biến trái chiều giữa các nhóm ngành. Trong khi thủy sản và lâm nghiệp tăng trưởng tích cực thì sản xuất lúa, chăn nuôi gặp khó. Tuy nhiên về kết quả chung, toàn ngành vẫn tăng trưởng 2,45% so với cùng kỳ. Đây là động lực quan trọng để ngành tiếp tục phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn trong những tháng tới. (Chu Khôi).
- “Ma trận” pháp lý bất động sản: Doanh nghiệp “hoa mắt, chóng mặt”. Không ít chuyên gia đánh giá rằng rất nhiều “cái nhất” tập trung trong pháp lý bất động sản: liên quan đến nhiều lĩnh vực nhất, phức tạp nhất, mâu thuẫn, chồng chéo nhất, tạo ra nhiều tranh cãi, khiếu kiện nhất. Thật chẳng khác gì “ma trận”, gây khó khăn cho quá trình thực hiện... (Phan Dương).
- “9-12 tháng tới, một số nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản”. Phỏng vấn ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam. Bất động sản luôn được đánh giá là một kênh trú ẩn giúp giảm thiểu rủi ro khi tỷ lệ lạm phát tăng cao. Mặc dù vậy, theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, những đợt lạm phát lớn cũng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu về thuê hay mua bất động sản. Ông Khương cho rằng trong 9-12 tháng tới, một số nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản… (Phan Nam).
- Phá bỏ điểm nghẽn cố hữu: Đất Cửu Long “hóa Rồng”. Phá bỏ điểm nghẽn hạ tầng giao thông và đầu tư hệ thống logistics cho Đồng bằng sông Cửu Long không thể trong một sớm một chiều. Theo các chuyên gia, trong một hệ phương trình nhiều ẩn số khó giải, trước mắt cần giải bài toán trung chuyển hiệu quả và hợp lực giữa chủ hàng và doanh nghiệp logistics. (Ánh Tuyết).
- Việt Nam dẫn đầu trong xu hướng Blockchain. Trước đây, vì nhiều lý do, Việt Nam thường đi sau thế giới trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng giờ đây, sự xuất hiện của công nghệ Blockchain đang đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực mới này. (Thủy Diệu).
-Sửa “trọn gói” Luật Bảo hiểm xã hội: Bảo vệ người lao động tốt hơn. Tăng cường bảo vệ người lao động phải là một yếu tố chính trong quá trình cải cách Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014) của Việt Nam. Đây là kết luận chính từ một loạt các cuộc tham vấn giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và đại diện người lao động tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam liên quan đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam. (Dũng Hiếu).
- Chiến tranh Nga-Ukraine và Covid đè nặng lên chuỗi cung ứng. Những tưởng các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu đã có thể thở phào khi đầu năm nay, những nút thắt khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn trong năm 2021 bắt đầu được nới cởi, thế nhưng cuộc chiến của Nga ở Ukraine và lệnh phong toả để chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã bất ngờ làm mọi thứ căng thẳng trở lại. Giới chuyên gia kinh tế đang lo ngại rằng những rắc rối về chuỗi cung ứng có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy cao hơn nữa lạm phát ở tất cả các quốc gia. (An Huy).