10:20 19/02/2024

Đơn hàng cải thiện, doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa linh hoạt để "vượt bão"

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Dù vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp dệt may tại Thanh Hóa thực hiện các đơn hàng ổn định hơn ngay từ thời điểm đầu năm. Đây là tín hiệu vui để ngành dệt may Thanh Hoá phấn đấu mục tiêu sản xuất đạt 530 triệu sản phẩm trong năm nay...

Năm 2023, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá đã sản xuất đạt hơn 508 triệu sản phẩm, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá đã sản xuất đạt hơn 508 triệu sản phẩm, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, tỉnh này hiện có gần 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động.

Mặc dù từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường tiêu thụ chính của ngành dệt may Thanh Hoá là Hoa Kỳ và các nước EU suy giảm mạnh, song các doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận thêm cơ cấu một số thị trường mới như châu Á, Đông Nam Á… Đồng thời đa dạng hoá mặt hàng; chấp nhận đơn hàng giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tại tỉnh này đã tăng cường tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ để hợp tác các đơn hàng phù hợp với năng lực sản xuất của các nhà máy; đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Nhờ đó, năm 2023, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá đã sản xuất đạt hơn 508 triệu sản phẩm, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hiện các doanh nghiệp đều đã ký kết các đơn hàng cho quý 1 năm 2024, tín hiệu đơn hàng phục hồi tích cực. Đây là cơ hội để ngành dệt may Thanh Hoá tăng trưởng trong năm 2024, phấn đấu mục tiêu sản xuất đạt 530 triệu sản phẩm. 

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời điểm này nhiều doanh nghiệp dệt may tại Thanh Hóa đã "ra quân" sản xuất để đáp ứng đơn hàng đã đặt. Như Công ty TNHH sản xuất dịch vụ và thương mại Trường Phát, huyện Nông Cống với hơn 300 công nhân, những ngày này công ty đang tăng ca, tăng kíp làm việc hết công suất để thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024.

Mặc dù kế hoạch sản xuất năm 2023 của công ty này đặt ra chỉ đạt 80%, tương đương xuất đi hơn 3 triệu sản phẩm, nhưng việc ký kết được đơn hàng xuất khẩu quần áo đi Nga năm 2024 là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm người lao động. Hiện doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy mới, sản lượng tối đa 5 triệu sản phẩm và dự kiến tuyển dụng thêm 1.000 công nhân.

Hay như thông tin từ ông Lâm Vĩnh Hào, Tổng giám đốc Công ty TNHH South Fame Garments LLimitted, huyện Thường Xuân cho biết, dù tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng với sự nỗ lực của cả tập thể, vẫn ký kết được các đơn hàng với các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Năm 2023, doanh nghiệp vẫn đảm bảo được sản xuất 5 triệu sản phẩm như kế hoạch đã đề ra và duy trì việc làm cho hơn 1.800 công nhân ở 3 xưởng sản xuất. Hiện doanh nghiệp cũng chủ động được các đơn hàng cho sản xuất quý I và II/2024.

Tiếp đến, Công ty TNHH SOTO, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương đã ký được nhiều đơn hàng đảm bảo cho người lao động có việc làm kéo dài đến hết tháng 8/2024. Tuy nhiên, do giá đơn hàng giảm tới 30% so với trước, nên lợi nhuận lại giảm so với cùng kỳ. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân, dù tăng ca nhưng mức lương chỉ đạt từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với trước kia. 

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng người lao động
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng người lao động

Dù tín hiệu đơn hàng phục hồi tích cực, nhưng trong bối cảnh kinh tế đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay, năm 2024 vẫn còn nhiều "chướng ngại vật" đối với các doanh nghiệp dệt may tại Thanh Hóa. Ông Vũ Công Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần May Xuất Khẩu Trường Thắng, huyện Nông Cống chia sẻ, các doanh nghiệp ngành này đang phải đối diện với nhiều thách thức như đơn giá thấp bởi phải qua trung gian, cùng với đó là thiếu hụt nguồn nhân lực và các chính sách tín dụng dành cho doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Từ những khó khăn trên, dẫn đến hàng hóa của doanh nghiệp dệt may bất lợi trong cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Ngoài những khó khăn trên, trao đổi với VnEconomy, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay tình trạng thiếu hụt đơn hàng không phải là nỗi lo ngại đối với các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn, nhưng vẫn còn nhiều những khó khăn như đơn giá thấp, chi phí vận chuyển cao, kéo dài khiến thời gian thực hiện các đơn hàng bị rút ngắn, vì vậy, các doanh nghiệp phải "căng mình" sản xuất để đảm bảo đúng kế hoạch. Đồng nghĩa với những vấn đề trên, chi phí hoạt động sản xuất tăng lên, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp không tăng. Dù vậy, các doanh nghiệp dệt may tại Thanh Hóa vẫn quyết tâm phấn đấu với mục tiêu tăng trưởng trong năm nay từ 10 - 15% trong năm nay".