11:47 28/10/2008

Dự báo các nỗ lực chống khủng hoảng tài chính

Mai Phương

Cắt giảm lãi suất các đồng tiền chủ chốt về 0%, đóng cửa thị trường chứng khoán vài tuần... là một số biện pháp được bàn tới

Các nhà quan sát dự báo, trong cuộc họp tổ chức ngày 28-29/10 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ hạ lãi suất cơ bản USD từ mức 1,5% hiện nay xuống còn 1% - Ảnh: AFP.
Các nhà quan sát dự báo, trong cuộc họp tổ chức ngày 28-29/10 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ hạ lãi suất cơ bản USD từ mức 1,5% hiện nay xuống còn 1% - Ảnh: AFP.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, thế giới đang bàn tới những giải pháp nhằm giải quyết khủng hoảng tận gốc rễ. Nhưng theo nhiều chuyên gia, có lẽ đã là quá muộn để hàn gắn những đổ vỡ mà khủng hoảng tài chính gây ra tới giờ phút này.

Trong 1 tháng trở lại đây, chính phủ và ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới đã có những động thái chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ thị trường tài chính nói riêng vốn đã rơi vào trạng thái “tơi tả”, cũng như nền kinh tế các nước nói chung. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn liên tục trượt dốc do niềm tin của giới đầu tư chưa thể được cứu vãn. Tâm lý chủ đạo của hầu hết các nhà đầu tư trên thế giới lúc này vẫn là lo lắng và hoảng sợ.
 
Chưa thể xác định được biện pháp triệt để có thể phục hồi niềm tin cho thị trường, nhưng giới phân tích cho rằng, thời gian tới, thế giới sẽ còn phải đẩy mạnh thêm nữa các việc áp dụng các công cụ chống khủng hoảng đã có.

Lãi suất giảm về 0%?

Ở thời điểm hiện nay, có thể khẳng định, trong thời gian tới, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ còn tiếp tục hạ lãi suất. Các nhà quan sát dự báo, trong cuộc họp tổ chức ngày 28-29/10 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ hạ lãi suất cơ bản USD từ mức 1,5% hiện nay xuống còn 1%.

Thậm chí, một số người còn cho rằng, lãi suất đồng USD có thể được FED hạ xuống còn 0,75%, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử lãi suất đồng tiền này ở dưới mức 1%.

Chưa dừng ở đó, còn có không ít ý kiến cho rằng, lãi suất USD có thể được đưa về mức 0% nếu tình hình thị trường tài chính không được cải thiện sớm. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng, dù có đưa lãi suất về mức 0%, chưa chắc FED có thể khơi thông dòng chảy tín dụng, vì thị trường tín dụng ở Mỹ hiện vẫn chưa “tan băng” sau những nỗ lực mạnh mẽ cắt giảm lãi suất và bơm tiền thời gian qua của FED.

“Ý định của FED là rất rõ ràng. Họ sẵn sàng bơm tiền ngập nền kinh tế Mỹ”, Giáo sư kinh tế Sung Won Sohn tại Đại học California State University Channel Islands (Mỹ) nhận xét.

Vào những năm 1990, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã cắt giảm lãi suất đồng Yên về mức 0% và duy trì mức lãi suất như vậy trong phần lớn thời gian của thập kỷ này. Tuy nhiên, lãi suất 0% đã không giúp được nhiều cho nước Nhật trong việc vượt qua giai đoạn kinh tế phát triển đình trệ khi đó. Hiện lãi suất Yên Nhật đang là 0,5% và BoJ không thể có những động thái cắt giảm lãi suất mạnh.

Lãi suất đồng Euro do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ấn định đang là 3,75%, còn lãi suất đồng Bảng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang là 4,5%. Nếu trong tuần này, ECB và BoE phối hợp hành động cắt giảm lãi suất với FED, rất có khả năng sau đó, hai ngân hàng trung ương này sẽ thực hiện thêm những đợt cắt giảm lãi suất riêng của họ nữa trong tuần kế tiếp.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp?

Hiện FED đang đẩy mạnh cho các ngân hàng thương mại Mỹ vay thông qua chương trình cho vay đặc biệt thiết lập sau vụ tan rã của ngân hàng đầu tư phố Wall Bear Stearns hồi tháng 3 vừa qua, đồng thời cho phép các ngân hàng đầu tư được vay trực tiếp từ FED - một “đặc ân” trước đây đối tượng này không được hưởng.

Thêm vào đó, FED cũng nỗ lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng kế hoạch mua vào khoảng 1.000 tỷ USD thương phiếu (commercial paper) do các doanh nghiệp phát hành.

Một số nhà kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, việc FED cần làm là cho vay trực tiếp đối với những doanh nghiệp không có quy mô đủ lớn để phát hành thương phiếu, hoặc bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng của các doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, FED không đủ sức để một mình vực dậy kinh tế Mỹ. Quốc hội nước này đang bàn thảo một kế hoạch kích thích kinh tế mới, trong đó có việc cho vay đối với các bang và chính quyền địa phương có khả năng phải cắt giảm nhân sự do thiếu hụt ngân sách.

Về phần mình, Bộ Tài chính Mỹ đã đầu tư 125 tỷ USD vào 9 ngân hàng hàng đầu của nước này như một phần trong kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỷ USD cho ngành tài chính. Sắp tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư vào nhiều ngân hàng nữa và đang cân nhắc mua lại cổ phần trong các công ty bảo hiểm.

Giới quan sát dự báo, sắp tới, Chính phủ Mỹ sẽ còn phải giải cứu cả ngành công nghiệp ô tô đang thiếu tiền mặt trầm trọng của nước này.

Hỗ trợ các nền kinh tế nhỏ hơn?

Trong bối cảnh khủng hoảng đã lan rộng khắp toàn cầu, Mỹ và châu Âu không phải là những nền kinh tế duy nhất cần được giải cứu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xem xét việc cho vay đối với nhiều nền kinh tế nhỏ hơn khác như Hungary, Iceland, Pakistan, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Belarus... Hiện IMF đã đồng ý cho Ukraine vay 16,5 tỷ USD và chấp nhận cho vay đối với Hungary, mặc dù chi tiết thỏa thuận cho vay này chưa được công bố.

Nhà kinh tế học Jay Bryson của ngân hàng Wachovia (Mỹ) cho rằng, thời gian tới, nhiều quốc gia nữa có thể phải “gõ cửa” nhờ cậy IMF, đồng thời, giá trị các khoản vay cũng sẽ tăng lên. “IMF cho biết, tổ chức này sẽ cho phép các quốc gia được vay số tiền nhiều gấp 4 lần so với hạn mức vay trước đây của họ”, ông Bryson nói.

Đóng cửa thị trường?

Một trong những ý tưởng giải quyết khủng hoảng “thú vị” nhất là ý tưởng của Giáo sư kinh tế Nouriel Roubini thuộc Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York. Trong một bài phát biểu tại London vào thứ Năm tuần trước, vị giáo sư này cho rằng, thị trường tài chính toàn cầu có thể cần phải được đóng cửa trong vòng 1 - 2 tuần để chặn đứng lại nỗi lo sợ của giới đầu tư.

Sau đó, GS. Roubini khẳng định thêm rằng, việc Chính phủ Nga quyết định đóng cửa thị trường chứng khoán Moscow đóng cửa từ thứ Sáu tuần trước tới thứ Ba tuần này là một dấu hiệu cho thấy rằng, việc đóng cửa các thị trường lúc này đã không còn là một lựa chọn không thể nghĩ tới nữa.

“Chúng ta đã ở vào một tình huống đáng sợ, trong đó những hành vi sai lầm của thị trường tài chính đã gây những ảnh hưởng có tính phá hủy đối với hệ thống tài chính, và tệ hơn, đối với cả nền kinh tế. Do đó, đã đễn lúc chúng ta phải nghĩ tới những hành động chính sách và sự can thiệp của Chính phủ có tính triệt để hơn”, ông nhận định.

Các chuyên gia khác cho rằng, giải pháp này chưa chăc sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng, khả năng áp dụng những biện pháp kiểu như vậy hiện đã cao hơn rất nhiều so với những gì mà họ có thể hình dung ra trong thời gian gần đây.

“Nếu người ta nói tới giải pháp này vào thời điểm 4 tuần trước đây, có lẽ ai cũng phải cười. Nhưng rõ ràng là đã có quá nhiều vấn đề xảy ra trong 4 tuần qua. Điều tôi có thể nói lúc này là, đây là giải pháp chúng ta  có thể áp dụng khi không còn giải pháp nào nữa”, nhà kinh tế học Jay Bryson của ngân hàng Wachovia nhận xét.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng, chưa rõ liệu sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu và những vấn đề của thị trường tài chính có thể sớm được chặn lại, cho dù trong những ngày tới, FED và các ngân hàng trung ương khác có đưa ra thêm giải pháp mới nào.

Đó là vì những tác hại đã xảy ra của khủng hoảng tín dụng sẽ dẫn tới tình trạng thắt chặt tín dụng hơn nữa, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm và giá cổ phiếu trượt dốc. Giá nhà đất ở Mỹ vẫn còn có khả năng giảm sâu hơn, khiến ngành tài chính nước này thua lỗ nhiều hơn.

Nhà phân tích Christian Nenegatti của công ty nghiên cứu và phân tích kinh tế RGE Monitor ở New York thì cho rằng, với những dự báo lợi nhuận doanh nghiệp như hiện nay, thị trường chứng khoán Mỹ còn có thể sụt giảm thêm 30%.

(Theo CNN)