Đức tăng trưởng 2,7% năm 2021, đối mặt nguy cơ suy thoái
Số liệu GDP mới nhất cũng cho thấy Đức đang phục hồi chậm hơn nhiều so với các nước láng giềng châu Âu như Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Các nước này dự kiến báo cáo số liệu chính thức vào cuối tháng này với mức tăng trưởng GDP sơ bộ là khoảng 4,5%...
Theo dữ liệu sơ bộ mới được công bố, GDP của Đức năm 2021 tăng 2,7% sau một năm nữa trải qua đại dịch Covid-19 với các biện pháp hạn chế phòng dịch cũng như áp lực lớn đối với chuỗi cung ứng.
Kết quả này đảo chiều mạnh mẽ so với mức sụt giảm 4,6% của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2020 – năm đầu tiên Đức áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn quốc và nhiều biện pháp hạn chế xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch.
“Dù đại dịch vẫn tiếp diễn, đi liền với các điểm nghẽn trong vận tải hàng hóa và thiếu hụt nguyên vật liệu, kinh tế Đức vẫn phục hồi mạnh mẽ so với mức giảm sâu của năm 2020. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chưa trở về mức trước khủng hoảng”, ông Georg Thiel, Chủ tịch Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, cho biết vào cuối tuần trước.
Theo số liệu của cơ quan này, tăng trưởng của Đức năm 2021 vẫn thấp hơn khoảng 2% so với thời điểm năm 2019, cho thấy nền kinh tế vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
Số liệu GDP mới nhất cũng cho thấy Đức đang phục hồi chậm hơn nhiều so với các nước láng giềng châu Âu như Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Các nước này dự kiến báo cáo số liệu chính thức vào cuối tháng này với mức tăng trưởng GDP sơ bộ là khoảng 4,5%.
Trong nửa sau năm 2021, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Đức vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các vấn đề trong chuỗi cung ứng. Vào tháng 10, các viện nghiên cứu hàng đầu của nước này đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống còn 2,4%. Chính phủ Đức cũng hạ dự báo tăng trưởng năm của mình.
Vào thứ Năm tuần trước (13/1), Viện Robert Koch - cơ quan y tế cộng đồng Đức – cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 mới tai nước này đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Số liệu gần nhất cho thấy số ca nhiễm mới của Đức ở quanh ngưỡng 80.000 ca mỗi ngày, có ngày vượt 90.000 ca.
“Số liệu GDP năm cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế trong quý IV/2021, theo đó Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế vào đầu năm nay”, Carsten Brzeski, giám đốc phụ trách vĩ mô toàn cầu tại tập đoàn tài chính ING, nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng ngày 14/1.
Đồng quan điểm, các nhà kinh tế tại Pantheon Macroeconomics nhận định số liệu GDP mới nhất của Đức cho thấy tăng trưởng GDP của nước này giảm tốc đáng kể trong quý cuối cùng của năm. Các nhà kinh tế này dự báo GDP của Đức sẽ chỉ tăng nhẹ trong quý đầu năm 2022, sau đó mới phục hồi dần vào quý tiếp theo.
Trong quý IV/2021, GDP của Đức sụt giảm 0,5-1% so với cùng kỳ năm trước do tác động của biến thể Covid-19 mới Omicron - được phát hiện lần đầu tại Nam Phi vào cuối tháng 11. Với số ca nhiễm mới tăng nhanh và ngành công nghiệp sản xuất vốn đóng góp lớn vào GDP vẫn phải vật lộn để tìm nguyên vật liệu, Dekabank, NordLB và ABN Amro đều dự báo kinh tế Đức sẽ có thêm một quý sụt giảm tăng trưởng nữa trong quý I/2022.
"Tôi không thấy được nhiều xung lực tích cực khi mà các điểm nghẽn về nguồn cung trong chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn, giá tăng lượng tăng đang ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng và ngành dịch vụ suy yếu do tác động của dịch bệnh", nhà kinh tế Andreas Scheuerle tại Dekabank nhận định và dự báo GDP của Đức sẽ sụt giảm khoảng 0,8% trong quý I năm nay.
Tuy nhiên, ông cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong các quý kế tiếp.
“Covid sẽ không còn ảnh hưởng lớn nữa vào mùa hè tới, khi mà các vấn đề về giá năng lượng và chuỗi cung ứng được giải tỏa. Trong quý II và III, chúng ta sẽ thấy được sự tăng trưởng vững chắc trở lại. Cả năm, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng khoảng 4,2%", nhà kinh tế của Dekabank dự báo.
Sáng nay (17/1), Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã công bố dữ liệu kinh tế năm 2021 với mức tăng trưởng tới 8,1% so với năm 2020, vượt xa mục tiêu 6% của Chính phủ nước này. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều thập kỷ. Năm 2021, GDP đầu người của Trung Quốc là khoảng 12.551 USD, tiệm cận ngưỡng của "quốc gia thu nhập cao" theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) và vượt qua mức GDP bình quân đầu người toàn cầu.