Trung Quốc lập kỷ lục thặng dư thương mại 676 tỷ USD trong năm 2021
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc duy trì trong tháng 12 vừa qua, đưa mức thặng dư thương mại cả năm lên đỉnh cao mới...
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc duy trì trong tháng 12 vừa qua, đưa mức thặng dư thương mại cả năm lên đỉnh cao mới và mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế đang đương đầu với sức ép từ cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản và chiến lược zero Covid.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/1 cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 12 của nước này đạt 340,5 tỷ USD, đưa kim ngạch cả năm đạt 3,36 nghìn tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 đạt 246 tỷ USD, đưa kim ngạch cả năm đạt 2,69 nghìn tỷ USD.
Theo đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc là 94,5 tỷ USD trong tháng 12 và 676 tỷ USD trong cả năm 2021.
Mức thặng dư của tháng là con số kỷ lục kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi chép vào tháng 8/1994. Mức thặng dư của năm cũng là mức cao chưa từng thấy kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi chép vào năm 1950.
Năm 2020, thặng dư thương mại của Trung Quốc là 524 tỷ USD.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 12 là 39,2 tỷ USD, tăng từ mức gần 37 tỷ USD của tháng 11, nhưng thấp hơn so với mức đỉnh của năm nay là 42 tỷ USD thiết lập vào tháng 9.
Dữ liệu này một lần nữa xác nhận bức tranh của cả năm 2021, khi nhu cầu mạnh mẽ đối với mọi loại hàng hoá của Trung Quốc, từ hàng điện tử tới đồ nội thất, khiến các nhà máy ở nước này phải hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể yếu đi trong năm nay, khi nhu cầu đối với thiết bị để làm việc tại nhà và trang thiết bị y tế tăng chậm lại, và tiêu dùng dịch chuyển về phía dịch vụ khi phần còn lại của thế giới bắt đầu sống chung với Covid.
“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 30% của năm ngoái rõ ràng là khó duy trì. Bởi vậy, tốc độ tăng của năm nay sẽ giảm mạnh”, một phần vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc – theo chuyên gia kinh tế trưởng Ding Shuang thuộc Standard Chartered. Các biện pháp hạn chế và phong toả nhằm chống Covid của Trung Quốc cũng có thể gây ra một số trở ngại, nhưng “vấn đề chính vẫn là nhu cầu của thị trường bên ngoài sẽ diễn biến như thế nào”.
Chuyên gia kinh tế David Qu của Bloomberg nhấn mạnh tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tháng 12 vượt dự báo tháng thứ 5 liên tiếp, đạt 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi dự báo tăng là 20%. “Bởi vậy, chừng nào nhu cầu của thị trường toàn cầu còn duy trì bất chấp biến chủng Omicron lây nhanh, vai trò của Trung Quốc là trung tâm sản xuất toàn cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu của nước này”, ông Qu nói.
Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Li Kuiwen của Tổng cục Hải quan Trung Quốc nói sẽ có thêm những nhân tố bấp bênh và mất cân đối trong thương mại của Trung Quốc năm nay. Tuy có một số áp lực, bao gồm cơ sở so sánh cao, những yếu tố căn bản tích cực dài hạn đối với thương mại của Trung Quốc sẽ không thay đổi – ông Li nói.
Theo Bloomberg, sự phụ thuộc của thị trường toàn cầu vào hàng hoá từ Trung Quốc có thể giảm xuống nếu các quốc gia ở Đông Nam Á phục hồi sau khi làn sóng Covid lắng xuống. Khi đó, các công ty có thể chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á, sau khi nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất từ khu vực này sang Trung Quốc trong năm 2021 để tận dụng lợi thế của chiến lược zero Covid.