20:08 16/07/2022

Gần 19.000 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh Hậu Giang

Phúc Minh

Tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha và ký nhiều biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang ngày 16/7...

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành chia sẻ về những tiềm năng của tỉnh. Ảnh - VGP.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành chia sẻ về những tiềm năng của tỉnh. Ảnh - VGP.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đã chia sẻ với các nhà đầu tư về những lợi thế, tiềm năng và những dự án trọng điểm của tỉnh để có chiến lược đầu tư lâu dài.

UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang; đồng thời tiếp nhận nhiều khoản tài trợ, ủng hộ của các nhà đầu tư dành cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam.

Về phía các nhà đầu tư, ông Han Jae Jin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã không phân biệt đối xử trong việc chia sẻ khó khăn trên hành trình vượt qua đại dịch với các nhà đầu tư.

"Chính phủ Việt Nam một lần nữa đã cho thấy rõ ràng rằng Chính phủ sẽ tạo ra một môi trường đầu tư bình đẳng, công khai và minh bạch đối với các nhà đầu tư nước ngoài và cùng nhau chia sẻ những lợi ích và rủi ro", ông Han Jae Jin nói.

Theo ông, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những xáo trộn trong chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch và các yếu tố rủi ro địa chính trị, đồng thời đang bị thâm hụt cán cân vãng lai và bất ổn ngoại hối do giá cả tăng vọt, xuất khẩu chậm lại và dòng vốn nước ngoài chảy ra ngoài. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, với sự lãnh đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã có thể tạo ra một cơ cấu kinh tế mở và độc lập trong thời điểm khó khăn này; bảo đảm an ninh lương thực với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, an ninh năng lượng, duy trì thặng dư cán cân vãng lai thông qua thặng dư thương mại và dòng vốn đầu tư từ phát triển công nghiệp chế tạo.

Ngoài ra, cơ cấu tài khóa hợp lý với chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt trong đợt đại dịch vừa qua giúp Việt Nam có đủ năng lực để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội dựa trên nguồn tài chính của Chính phủ trong vài năm tới. 

Ông cũng nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này. Tỉnh Hậu Giang, trung tâm của cơ sở hạ tầng hậu cần Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thể xây dựng nên câu chuyện thành công hiệu quả nhất.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh - VGP. 
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh - VGP. 

Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của hệ thống đường thủy nội địa sông Cửu Long, có tổng số 2.300 km sông, rạch, nằm ở trung điểm của nhiều tuyến đường cao tốc, cách sân bay và cảng biển chỉ 30 km từ ranh giới tỉnh. Những cơ sở hạ tầng giao thông này là chìa khóa cho hậu cần và sản xuất. 78.000 ha đất trồng lúa chiếm một nửa diện tích của tỉnh, đóng vai trò then chốt trong an ninh lương thực quốc gia.

Những năm qua, Hậu Giang đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, tỷ trọng GRDP của ngành sản xuất công nghiệp năm 2015 chỉ đạt 18,12%, năm 2020 là 24,58%, năm 2025 dự kiến là 29,84%.

Ông Han Jae Jin tin rằng với cơ sở hạ tầng giao thông, cơ cấu nhân lực, những nỗ lực cải cách hành chính, Hậu Giang sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt được sự tăng trưởng kinh tế vượt trội thông qua kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất.