06:11 02/09/2021

Gần 90.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 8 tháng và nỗi lo "bom nợ" trái phiếu doanh nghiệp

An Nhiên

Nếu làm khéo, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là cứu cánh cho cả nền kinh tế trong bối cảnh ngân hàng đang quá tải, dư nợ tín dụng lên đến 150% GDP...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngược lại, vốn dĩ là kênh đầu tư nhiều rủi ro nếu không kiểm soát chặt chẽ đây sẽ là cục nợ gây rủi ro cho cả hệ thống tài chính khi mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19, nguy cơ vỡ nợ ngày càng gia tăng…

Phát biểu tại Tọa đàm “Cá nhân đầu tư Trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức mới đây, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, trên thị trường tài chính 10 năm trở lại trái phiếu mới phát triển mở ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng phát hành trái phiếu bình quân trên 35% giúp Việt Nam trở thành một trong thị trường có tốc độ phát triển cao nhất khu vực với quy mô chiếm 14% GDP. Trong khi đó Singapore là 30% GDP, Hàn Quốc 35,8% GDP. Doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu cũng đa dạng và lớn về số lượng và chất lượng. Các công ty bất động sản và ngân hàng phát hành chiếm khoảng 70%, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Nhà đầu tư đầu tiên là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân. Thị trường trái phiếu đang đặt ra vấn đề liệu phát triển có quá nóng không? Việc tham gia của nhà đầu tư cá nhân tiềm ẩn rủi ro gì cho họ? Các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán thực hiện đầy đủ quy định pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư chưa?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính Ngân hàng bày tỏ lo ngại, thời gian gần đây trái phiếu bùng nổ, nhiều quy định pháp lý nhằm siết chặt song lượng trái phiếu nằm trong tay người dân, công ty chứng khoán, ngân hàng… sẽ đi về đâu khi nền kinh tế đang khó khăn, nợ xấu nhiều, doanh nghiệp khó khăn, phá sản.

Gần 90.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 8 tháng và nỗi lo "bom nợ" trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phát biểu tại Tọa đàm.

Tháng 7/2021 có hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản. Trong khi thống kê mới nhất từ Tổng cục thống kê số doanh nghiệp rời bỏ thị trường đến cuối tháng 8 là 85.500 doanh nghiệp. Theo Tổng cục thống kê, số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

“Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, rất có thể cuối năm sẽ có 100.000 doanh nghiệp phá sản, trong đó liệu có nhà phát hành trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu phá sản không? Nếu thế thì khả năng của họ trả nợ sẽ ra sao?”, ông Hiếu đặt vấn đề.

 
"Ở một đất nước phát triển như Mỹ, tôi chưa bao giờ mua trái phiếu doanh nghiệp. Thay vào đó sẽ sử dụng quỹ tương hỗ, ra lệnh quỹ đó mua một danh mục trong đó có những trái phiếu của doanh nghiệp mà tôi đưa cho họ với thời hạn, lãi suất rõ ràng. Xung quanh tôi cũng không có nhà đầu tư cá nhân nào mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ở Việt Nam vài năm vừa qua trái phiếu bùng nổ, người mua là các ngân hàng, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư nhưng cũng rất nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng mua vì họ thấy lãi suất ngon quá..".
Chuyên gia
Nguyễn Trí Hiếu

Cũng theo ông Hiếu, các quy định pháp luật về trái phiếu vẫn còn nhiều lỏng lẻo, chưa hoàn thiện.

Chẳng hạn, Điều 11, Luật Chứng khoán 2020 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư cá nhân cần có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng theo hồ sơ khai thuế.

“Với quy định này tôi đảm bảo nếu ngày mai các ông muốn tôi có thể cung cấp cho ông mấy cái chứng chỉ mà các công ty chứng khoán có thể cấp cho tôi. Tôi chỉ cần vay tiền và đến công ty chứng khoán bỏ 2 tỷ vào đấy để được xác định tư cách là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhưng 2 tỷ đó sẽ nằm ở đó bao lâu? Luật không nói gì? Và ai sẽ kiểm soát được chuyện này?

Chúng ta có quy định xử phạt, công ty chứng khoán không làm đúng chức năng bị phạt vài trăm triệu đồng. Nhưng các cơ quan thanh tra tất cả chưa? Liệu tương lai thanh tra được không? Tài sản 2 tỷ đồng đã đủ chưa? Hay là tôi muốn lách luật thì công ty có thể lách luật giúp tôi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp….”, ông Hiếu đặt vấn đề và cho rằng đó là rủi ro cho cả hệ thống.

“Quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân, khi khủng hoảng xảy ra sẽ phản ứng theo dây chuyền. Thị trường trái phiếu, hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng đi về đâu khi khủng hoảng tài chính ập đến? Tôi mong rằng chuyện đó không xảy ra nhưng hậu dịch hoàn toàn có thể và chúng ta phải chuẩn bị trước. Việc kiểm soát rủi ro của chúng ta chưa hoàn thiện lắm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước đó, cũng tại toạ đàm trực tuyến Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings (FiinGroup) cho rằng, cục nợ trái phiếu là một thứ chúng ta cần theo dõi hoàn thiện để tránh đổ vỡ.

"Hãy nhìn sang Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc, thậm chí người cao nhất của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình cũng tham gia xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu dù quy mô chúng ta nhỏ nhưng với mức 15% quy mô dư nợ toàn hệ thống thì xứng đáng được quan tâm bên cạnh vấn đề khác, đặc biệt trong bối cảnh covid nhiều doanh nghiệp đứt gãy dòng tiền. Do đó, cơ quan quản lý, chuyên gia cần phải bàn vấn đề này, vì quy mô quá lớn mà ấn số rất nhiều", ông Thuân cảnh báo.