Cuộc đua trái phiếu năng lượng tái tạo: Đèn cứ muốn che trăng?
Huy động hàng ngàn tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp đổ vào các dự án năng lượng tái tạo thay vì tiếp cận kênh ngân hàng, các doanh nghiệp đang đẩy mồi nhử lãi suất để che đậy năng lực tài chính...
Trái phiếu doanh nghiệp ngành năng lượng đang mang đến sức hút lớn cho các nhà đầu tư. Theo báo cáo của SSI Research, nhìn lại bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng năm 2021 cho thấy, ngành năng lượng và khoáng sản đứng top 3 khi phát hành 14,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng khối lượng phát hành. Tổng số trái phiếu năng lượng phát hành từ 2019 đến hết quý 2/2021 khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, huy động trái phiếu năng lượng cũng đang chịu rủi ro lớn.
"LỆCH PHA" LÃI SUẤT VÀ NĂNG LỰC TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Trước sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đang đổ xô đầu tư vào mảng này. Đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, nhiều doanh nghiệp chọn cách huy động vốn thông qua kênh trái phiếu thay vì kênh tín dụng truyền thống.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital, thời gian đầu thực hiện dự án chủ yếu tiếp cận qua kênh truyền thống ngân hàng. Tuy nhiên, hình thức này tồn tại nhiều hạn chế do thời gian đánh giá, thẩm định dài, ngân hàng có quy trình đánh giá tín dụng chặt chẽ, đôi lúc ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh.
Vì vậy, từ năm 2019, nhận thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động, Bamboo Capital chuyển hướng sang kênh huy động vốn này. Đến nay, công ty đã phát hành thành công 10 đợt trái phiếu tài trợ cho các dự án.
"Có nhiều doanh nghiệp hiện nay vì không có xếp hạng tín nhiệm, về bản chất, năng lực và uy tín khác hẳn nhau, nhưng lãi suất phát hành tương tự nhau trên thị trường. Nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chuyên nghiệp đều gặp khó khăn trong việc đánh giá doanh nghiệp".
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường trái phiếu tăng trưởng nóng, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân lại thiếu vắng các công cụ đánh giá mức độ rủi ro. Bên cạnh đó, có sự “lệch pha” giữa năng lực tín dụng của nhà phát hành và lãi suất trái phiếu trên thị trường.
Chính vì vậy, doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu vẫn chưa tối ưu được chi phí vốn. Nhà đầu tư cũng "loay hoay" trong ma trận, không biết mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành nào.
Chia sẻ tại hội thảo "Cơ sở xếp hạng tín nhiệm Bamboo Capital Group và đánh giá triển vọng ngành năng lượng tái tạo Việt Nam" do FiinRatings tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Nhật Hoàng, chuyên viên Phân tích tín dụng cao cấp (FiinRatings) phân tích, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bùng nổ trong thời gian gần đây, lịch sử phát triển còn ngắn so với các quốc gia khác.
“Sự phân hóa giữa năng lực trả nợ của các doanh nghiệp phát hành phần nào chưa phản ánh vào trong lãi suất, khiến dải lãi suất tương đương nhau”, ông Hoàng cho biết.
Để hỗ trợ nhà đầu tư, trong tương lai, FiinRatings sẽ công bố nhiều xếp hạng tín nhiệm, kỳ vọng với góc nhìn từ bên thứ ba sẽ giúp thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn. Đối với nhà phát hành sẽ tối ưu được chi phí vốn, đối với nhà đầu tư, sẽ đánh giá được tốt hơn rủi ro của khoản đầu tư để đưa ra quyết định.
RỦI RO CHÍNH SÁCH LÀ ẨN SỐ LỚN
Thời gian tới đây, những rủi ro về mặt chính sách được đánh giá sẽ khiến các doanh nghiệp năng lượng phải sản xuất cầm chừng vì chờ đợi cơ chế giá mới.
Được biết, chỉ còn hơn 2 tháng nữa, vào thời điểm ngày 31/10/2021, giá mua điện gió ưu đãi hiện hành sẽ hết hạn theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 đang khiến hàng loạt dự án điện gió không kịp “về đích”. Muốn được hưởng ưu đãi giá FIT kéo dài 20 năm, các dự án điện gió phải vận hành trước ngày 1/11, sau thời điểm này cơ chế giá sẽ thay đổi. Nếu giá mua điện gió giảm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.
Không ít dự án điện gió hàng ngàn tỷ đồng rơi vào thế khó, khi chưa giải tỏa xong mặt bằng, những khó khăn vì dịch Covid khiến vận chuyển thiết bị chậm trễ, chuyên gia nước ngoài khó nhập cảnh... khiến nhà máy đứng trước nguy cơ không kịp tiến độ.
"Tỷ trọng công suất lắp đặt năng lượng điện tái tạo hiện tương đối lớn. Đây sẽ là yếu tố khiến Chính phủ và Bộ Công thương cấp phép chặt chẽ hơn, chứ không phát triển bùng nổ như thời gian qua. Sự phát triển điện tái tạo sẽ được phát triển cân đối với các nguồn điện khác như điện khí, để đảm bảo an toàn lưới điện".
Ông Lê Xuân Đồng, Thành viên Hội đồng xếp hạng, FiinRatings.
Ông Lê Xuân Đồng, Thành viên Hội đồng xếp hạng, FiinRatings bày tỏ lo ngại “khi các cơ chế chính sách đang tiếp tục được hoàn thiện, rủi ro về mặt chính sách là rủi ro lớn nhất. Nhất là cơ chế giá điện chưa rõ ràng, đây là ẩn số lớn với các nhà đầu tư, đòi hỏi các nhà phát triển dự án sau thời điểm ngày 31/10 phải tính toán lại phương án tài chính”.
“Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ có sự châm chước, linh hoạt gia hạn giá điện, để một số dự án chậm tiến độ do yếu tố khách quan sẽ được hoàn thành”, ông Đồng chia sẻ.
Về dài hạn, chắc chắn cơ chế giá điện ưu đãi FIT sẽ được bỏ, thay bằng cơ chế giá điện mới thông qua hình thức đấu thầu để chọn nhà phát triển có tiềm lực về mặt tài chính, công nghệ, giá tốt cho khách hàng. Nhiều nhà phát triển dự án đánh giá mức giá mới khi đấu thầu thành công sẽ sụt giảm khoảng 20 - 30% so với cơ chế giá FIT hiện tại.
Trong ngắn hạn, do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện giảm. Trong năm 2020, sản lượng điện thương phẩm chỉ tăng trưởng khoảng 3,4%, so với mức trung bình 9% trong giai đoạn 2011 -2020.
Thực trạng cắt giảm công suất nhà máy điện khiến những doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay, vào năng lượng tái tạo đang không thể bán được điện và khốn khổ tìm cách giải bài toán tài chính.
Bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc khối huy động vốn Bamboo Capital cũng cho hay, do chính sách giá mới điện mặt trời của Chính phủ chưa được ban hành, năm nay, công ty sẽ chưa triển khai dự án nông trại điện mặt trời, mà tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời áp mái.
Dù vậy, theo nhóm nghiên cứu Fiinratings, trong trung và dài hạn, ngành năng lượng tái tạo sẽ có triển vọng tương đối tốt do nhu cầu điện tại Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, lên đến 8-9%/năm.
Tiềm năng của ngành đến từ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong tương lai, đặc biệt giai đoạn phục hồi sau đại dịch, cũng như từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của dân cư. Năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên phát triển của Chính phủ Việt Nam nhằm đa dạng nguồn điện và giảm phát thải khí nhà kính.
DOANH NGHIỆP HUY ĐỘNG VỐN "KHỦNG"
Điểm lại một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp “khủng” ngành năng lượng thời gian qua, Trung Nam Group đã huy động 9.500 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Hầu hết các lô trái phiếu đều có kỳ tính lãi 3 hoặc 6 tháng/lần, lãi suất 9,5-11%/năm, nhằm triển khai dự án nhà máy điện gió Ea Nam – Đắk Lắk, các dự án năng lượng tái tạo khác và bổ sung vốn lưu động.
Quý 3 tới đây, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua phát hành ra công chúng, đầu tư thêm vào các dự án điện gió. Trước đó, đầu tháng 4, doanh nghiệp này vừa chào bán thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cố định 4 kỳ đầu tiên 9,5%/năm, kỳ hạn 3 năm.
Định hướng trở thành một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG-HOSE) xác định năng lượng tái tạo là một lĩnh vực đóng vai trò hạt nhân chiến lược trong tương lai. Bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc khối huy động vốn, Bamboo Capital thông tin, công ty đang thực hiện các công tác chuẩn bị, trong đó chủ động xếp hạng tín nhiệm, để dự kiến phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá khoảng 500 tỷ đồng thời gian tới.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Bamboo Capital tự nguyện đánh giá xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, với mong muốn đem mình ra “thử lửa” bằng cái nhìn của thị trường, của đơn vị đánh giá độc lập. Bên cạnh đó, xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng trên thị trường.
Kết quả xếp hạng tín nhiệm lần đầu do FiinRatings vừa công bố, Bamboo Capital đạt mức “BB” với triển vọng tích cực. Kết quả xếp hạng tín nhiệm cũng đã phản ánh các điều kiện kinh doanh diễn biến theo chiều hướng không có lợi do tác động của đại dịch Covid-19 đến các mảng kinh doanh chính trong 12-18 tháng tới cũng như những thay đổi liên quan đến khung chính sách đối với mảng năng lượng tái tạo mà BCG có thể bị ảnh hưởng.
Với đặc thù thâm dụng vốn của ngành đòi hỏi BCG phải huy động nguồn vốn lớn trong giai đoạn 2021-2023. Nợ vay/EBITDA (đã điều chỉnh) của BCG là 5,6 lần vào cuối năm 2020 và FiinRatings ước tính sẽ nằm trong khoảng 7 đến 8 lần vào cuối năm 2021.
Doanh thu năm 2021 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 231,7% với kỳ vọng doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Từ năm 2022 trở đi, khi khung pháp lý về cơ chế giá năng lượng tái tạo và cơ chế đầu tư được kỳ vọng sẽ trở lên rõ ràng, BCG sẽ tiếp tục và đẩy nhanh các hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và duy trì như một mảng kinh doanh cốt lõi của công ty.