09:37 22/02/2024

Giá dịch vụ khám chữa bệnh đã điều chỉnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng

Nhật Dương

Tính đến nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương - theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng. Việc điều chỉnh giá cũng góp phần đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y tế, theo Bộ Y tế...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 -2023, Bộ Y tế cho biết, đến nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương - theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, trong đó có quy định lộ trình tính giá dịch vụ trong các đơn vị sự nghiệp công đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao.

Chính phủ đã chỉ đạo việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình từng bước, thận trọng, không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và thu nhập của người dân. Đồng thời phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Y tế cho biết, năm 2021 và năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ chưa có chủ trương thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, để không ảnh hưởng đến tác động của người dân, do đó Bộ Y tế chưa thực hiện được lộ trình điều chỉnh giá tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao.

Do đó, mục tiêu chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh, sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế không hoàn thành vào năm 2020 theo mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 68/2013/QH13.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó cho phép các đơn vị sự nghiệp y tế tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2022.

Như vậy, trong năm 2021, 2022 về cơ bản việc phân loại tự chủ tài chính của các đơn vị vẫn giữ theo mức phân loại tự chủ tài chính của năm 2020.

Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hạng bệnh viện thống nhất trên toàn quốc.

Việc đưa chi phí tiền lương vào giá, các địa phương đã thực hiện giảm cấp chi lương từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế.

Số thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh/thành phố cho thấy, năm 2018 ngân sách giảm cấp của các bệnh viện so với năm 2015 (khi chưa điều chỉnh giá có tiền lương) là khoảng 8.947,3 tỷ đồng.

Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như: TP. HCM giảm khoảng 1.320 tỷ đồng; TP. Hà Nội giảm 520 tỷ đồng; Thái Nguyên khoảng 340 tỷ đồng; Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng; Hà Tĩnh 200 tỷ đồng; Bình Định 300 tỷ đồng.

Đồng thời, từng bước thực hiện chủ trương chuyển ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước đã không phải thực hiện chi trả lương cho cán bộ y tế tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, và dành khoảng 35% nguồn kinh phí chi sự nghiệp y tế để đóng hoặc hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Trong năm 2018 đã sử dụng khoảng 31.140 tỷ đồng, năm 2019 sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được nâng lên rõ rệt, vì không phải trả thêm, hoặc tự mua một số thuốc, vật tư mà trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm, do Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán. Khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật mới được chuyển giao, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và từng bước giảm quá tải cho tuyến trên.

Số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên (có nguồn thu dưới <10% chi hoạt động) giảm. Tính đến năm 2022, cả nước có khoảng 240 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 11,7% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2017 có 109 đơn vị chiếm 5,1% tổng số đơn vị).

Đối với 1.250 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên thì mức tự chủ cũng rất cao, nhiều đơn vị đã tự chủ được từ 80-90% nguồn tài chính.

Bộ Y tế đánh giá, việc điều chỉnh giá cũng góp phần đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y tế. Các bệnh viện có nguồn kinh phí để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế và trả lương, thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.