13:04 09/01/2024

Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình tăng giá dịch vụ y tế

Nhật Dương

Trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Đặc biệt, nghiên cứu việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân và điều kiện kinh tế - xã hội...

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024. Ảnh - Tuấn Dũng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024. Ảnh - Tuấn Dũng.

Thông tin được Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển năm 2024, sáng 9/1. 

HƠN 93% DÂN SỐ THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2023, ngành đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu). 

Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; kịp thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, cơ sở y tế trên toàn quốc và của người dân, doanh nghiệp.

Các địa phương đã triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực y tế, như tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh…

Dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, tập trung cùng với chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng,…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…).

Bên cạnh đó, công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm; triển khai nhiều hoạt động cộng đồng về dự phòng, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực.

Cùng với đó, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19, số lượng người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế tăng cao.

Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ. Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý chất lượng bệnh viện có nhiều bước phát triển; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực.

Hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế…

GIẢI QUYẾT CÁC VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM Y TẾ 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thừa nhận ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Tuấn Dũng.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Tuấn Dũng.

Hơn nữa, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế. Việc bảo đảm các mục tiêu về tỷ lệ tiêm chủng mở rộng gặp nhiều thách thức. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra;

Ngoài ra, công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài…

Đáng chú ý, ngân sách nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế dù có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa bảo đảm.

Độ bao phủ bảo hiểm y tế rộng nhưng chưa bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Mặt khác, phương thức chi trả dịch vụ y tế chậm đổi mới, chậm hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản; chậm điều chỉnh tính đủ chi phí dịch vụ y tế; còn những khó khăn, vướng mắc trong giám định, thanh toán chi phí giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và bệnh viện…

Với những thực tế như vậy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành Y tế là rất nặng nề.

Riêng về lĩnh vực bảo hiểm y tế, trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Đặc biệt, nghiên cứu việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và điều kiện kinh tế - xã hội.

Đồng thời, nghiên cứu thí điểm thực hiện phương thức chi trả theo định suất, theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRGs) một cách phù hợp; sửa đổi, bổ sung quy định về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật.

Xây dựng quy định về thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh tại các tuyến, chú trọng tuyến y tế cơ sở, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc, bất cập phát sinh trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.