Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng mạnh nhất 1 thập kỷ
Sự leo thang này một lần nữa làm dấy lên mối lo về lạm phát, giữa lúc thế giới đang ở trong một “trận bão giá” nguyên vật liệu thô...
Giá lương thực-thực phẩm toàn cầu đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây, tời Financial Times cho hay. Sự leo thang này một lần nữa làm dấy lên mối lo về lạm phát, giữa lúc thế giới đang ở trong một “trận bão giá” nguyên vật liệu thô.
Trong tháng 5, chỉ số giá lương thực-thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất từ năm 2011.
Giá lương thực-thực phẩm tăng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nước thu nhập thấp phụ thuộc vào nguồn lương thực-thực phẩm nhập khẩu. Đối với các nước giàu hơn, chi phí lương thực-thực phẩm thô chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá sản phẩm bán tại các siêu thị và nhà hàng. Tuy nhiên, đợt tăng giá lần này mạnh đến nỗi các công ty lớn như Nestle và Coca-Cola đã tuyên bố sẵn sàng nâng giá bán sản phẩm để chuyển một phần chi phí gia tăng về phía người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi người dân trên thế giới trở lại với thói quen đi ăn nhà hàng sau khi Covid-19 được khống chế, việc giá lương thực-thực phẩm leo thang sẽ khiến áp lực lạm phát tăng mạnh hơn nữa.
“Sự suy giảm của hoạt động ăn uống ở nhà hàng không được bù đắp hoàn toàn bằng ăn uống ở nhà. Nhưng khi mọi người bắt đầu đi ăn nhà hàng trở lại, bạn sẽ chứng kiến giá thực phẩm leo thang”, chuyên gia kinh tế cấp cao Abdolreza Abbassian của FAO phát biểu.
Ngoài ra, chi phí nhân công và vận chuyển cũng được dự báo sẽ đẩy giá cả tăng cao hơn trong những tháng sắp tới.
“Chi phí vận chuyển gia tăng do giá dầu tăng và những nút thắt cổ chai trong vận tải biển sẽ làm gia tăng sức ép giá cả lên toàn hệ thống”, chuyên gia Caroline Bain thuộc Capital Economics nói.
Theo Bernstein, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng tại Mỹ có thể chứng kiến giá đầu vào tăng 6,1% trong năm nay, so với mức tăng 0,7% trong năm ngoái. Tyson Foods, công ty thịt hàng đầu của Mỹ, cho biết giá đầu vào đã tăng 15%, chưa kể chi phí gia tăng ở mảng hậu cần, đóng gói và nhân công.
Tại Anh và châu Âu, lạm phát giá lương thực-thực phẩm đến nay chưa rõ rệt, nhưng đã có những cảnh báo về việc giá những mặt hàng này sẽ tăng trong nửa cuối năm.
Theo dữ liệu của FAO, lạm phát giá lương thực-thực phẩm toàn cầu trong năm 2020 là 6,3%, tăng từ mức 4,6% trong năm 2019 do đại dịch gây đứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc sản xuất và phân phối lương thực-thực phẩm.
Trong đó, những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Nam Mỹ với giá lương thực-thực phẩm tăng 21% trong năm 2020, châu Phi và Nam Á với mức tăng 12%, và châu Đại Dương với mức tăng 8%.
Giá lương thực-thực phẩm tăng mạnh cũng phản ánh nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc đối với các loại ngũ cốc và đậu tương; tình trạng hạn hán ở Brazil – một nước sản xuất ngô và đậu tương hàng đầu; và nhu cầu ngày càng lớn đối với dầu thực vật dùng để làm dầu diesel sinh học – giới phân tích cho hay.
“Trung Quốc mua liên tục, mà hạn hán ở Brazil lại nghiêm trọng hơn dự báo. Ai cũng cầu thời tiết ở Mỹ sẽ tốt”, ông Abbassian nói.
Giá lương thực-thực phẩm ở Tây Phi hiện cao hơn 40% so với mức bình quân của 5 năm. Ở Nigeria, một nước thuộc khu vực này, lạm phát giá lương thực đang là 23%, cao nhất 15 năm – theo số liệu từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP).
Năm ngoái ở Lebanon, lạm phát giá lương thực-thực phẩm trong 1 năm qua là 400%, một phần do khủng hoảng tiền tệ, dịch bệnh và vụ nổ ở cảng Beirut. Hiện nay, lạm phát giá lương thực-thực phẩm ở Lebanon vẫn là hơn 200%. Một số nước như Syria và Sudan cũng đang vật lộn với lạm phát giá lương thực-thực phẩm hơn 200%.