Giá vàng tăng nhờ đồng USD “hạ nhiệt” sau khi lập đỉnh mới của 20 năm
Giá vàng thế giới tăng khá mạnh sáng nay (6/9), khi đồng USD rút khỏi đỉnh giá của 20 năm thiết lập vào ngày hôm qua. Trong nước, giá vàng miếng tăng 200.000 đồng/lượng...
Lúc hơn 10h, giá vàng miếng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 9,8 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại Mỹ, tương đương tăng gần 0,6%, đứng ở 1.721,6 USD/oz - theo dữ liệu từ trang Kitco.com. Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giảm 1,7 USD/oz, còn 1.711,8 USD/oz.
Thời gian gần đây, giá vàng thế giới chịu áp lực giảm lớn từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, và việc đồng USD liên tục lập đỉnh mới. Tuần trước, giá vàng có lúc tuột khỏi mốc chủ chốt 1.700 USD/oz nhưng đã lấy lại mốc này vào ngày thứ Sáu.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc vượt 110 điểm, thiết lập đỉnh mới từ năm 2002. USD tăng giá mạnh một phần do chủ trương tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặt khác, đồng Euro rớt giá mạnh khi khủng hoảng khí đốt ở châu Âu leo thang do Nga khoá vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 cũng làm cho USD mạnh thêm.
Sáng nay, chỉ số này “hạ nhiệt” về 109,5 điểm, mở đường cho giá vàng tăng. Dù vậy, trong vòng 1 tháng trở lại đây, Dollar Index vẫn tăng gần 3%.
Tuần này, sự chú ý của giới đầu tư sẽ hướng đến những phát biểu tiếp theo của các quan chức Fed để tìm kiếm những tín hiệu về bước nhảy lãi suất mà ngân hàng trung ương này có thể áp dụng trong cuộc họp vào ngày 20-21/9. Thị trường hiện đang nghiêng về khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm như trong hai lần họp trước, thay vì bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.
Về tình hình châu Âu, nền kinh tế khu vực Eurozone gần như chắc chắn đang rơi vào suy thoái. Kết quả các cuộc khảo sát công bố ngày thứ Hai cho thấy một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang leo thang, cộng thêm triển vọng kinh tế u ám khiến người tiêu dùng ngại chi tiêu. Tuy nhiên, lạm phát cao có thể buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải nâng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp vào ngày 8/9.
Nếu dùng tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank để quy đổi, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 49,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC bán lẻ khoảng 17,7 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 11h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,25 triệu đồng/lượng và 52,05 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,05 triệu đồng/lượng và 66,85 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Trao đổi với trang Kitco News, chiến lược gia Frank Cholly của RJO Futrues cảnh báo rằng Fed đang chậm so với lạm phát và có thể “quá tay” trong việc tăng lãi suất. “Nhiều khả năng giá vàng còn giảm thêm. Biểu đồ dài hạn cho thấy 1.700 USD/oz là một ngưỡng hỗ trợ tốt. Nếu không giữ được mốc này, giá vàng sẽ trượt về 1.600 USD/oz. Nếu giá vàng đóng cửa dưới 1.695 USD/oz, việc giảm thêm 100 USD/oz hoàn toàn có thể xảy ra”, ông nói.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.400 đồng (mua vào) và 23.680 đồng (bán ra), tăng 80 đồng so với sáng qua. Gần đây, tỷ giá USD/VND trong nước tăng giá mạnh, phù hợp với xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế.