09:17 06/09/2022

Nga tuyên bố chỉ mở khoá Nord Stream 1 nếu được dỡ trừng phạt

An Huy

Nga nói chính các biện pháp trừng phạt “mà các nước phương Tây gồm Đức và Anh đưa ra để chống lại đất nước chúng tôi” là nguyên nhân dẫn tới việc Nga không thể tiếp tục bơm khí đốt qua Nord Stream 1...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Nga sẽ chỉ nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp lên Nga - điện Kremlin tuyên bố ngày 5/9, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng siết chặt tiếp tục đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng chóng mặt.

Trong một cuộc trao đổi với báo giới, người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin nói rằng chính các biện pháp trừng phạt “mà các nước phương Tây gồm Đức và Anh đưa ra để chống lại đất nước chúng tôi” là nguyên nhân dẫn tới việc Nga không thể tiếp tục bơm khí đốt qua Nord Stream 1.

“Những lý do khác dẫn tới vấn đề trong việc bơm khí đốt là không hề tồn tại”, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Peskov.

Người phát ngôn này nói thêm rằng việc Nga có nối lại đầy đủ cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 hay không chắc chắn phụ thuộc vào việc liệu phương Tây có dỡ trừng phạt đối với Nga hay không. “Chính những biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt đã dẫn tới tình trạng mà chúng ta đang chứng kiến”, ông Peskov nhấn mạnh.

Hôm thứ Sáu, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố sẽ khoá Nord Stream 1 vô thời hạn dù đường ống này lẽ ra được mở lại vào ngày thứ Bảy sau cuộc bảo trì kéo dài 3 ngày. Lý do được Gazprom đưa ra là hỏng hóc tại một turbine của đường ống.

Tương tự như những gì điện Kremlin nói, Gazprom đổ lỗi cho lệnh trừng phạt của phương Tây gây gián đoạn việc cung cấp khí đốt. Theo Gazprom, nhà sản xuất turbine Siemens Energy - một công ty của Đức - không thể thực hiện việc sửa chữa các turbine của Nord Stream 1 vì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Gazprom.

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) bác bỏ những tuyên bố của phía Nga, cáo buộc Nga dùng năng lượng làm vũ khí. Moscow cũng bác bỏ cáo buộc này của EU.

 

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu có lúc tăng gần 40% trước khi chốt phiên với mức tăng 25%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 5 lần.

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang châu Âu, có công suất vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Dòng chảy khí đốt qua đường ống này được cho là giữ vai trò sống còn trong việc chặn đà leo thang của cuộc khủng hoảng năng lượng đang hoành hành ở châu Âu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng này - xuất phát từ việc dòng chảy khí đốt Nga ngày càng siết lại - được xem là một bài kiểm tra lớn đối với sự ủng hộ mà EU dành cho Ukraine trong chiến tranh Nga-Ukraine.

Phát biểu ngày 5/9, ông Peskov đề cập đến sự bất mãn gia tăng của người dân EU đối với tình trạng tăng từng ngày của giá năng lượng. Ông cho rằng cuộc sống rõ ràng đang trở nên “ngày càng tồi tệ đối với người dân, chủ doanh nghiệp và các công ty ở châu Âu. Dĩ nhiên, người dân ở những nước này sẽ có thêm nhiều câu hỏi dành cho các nhà lãnh đạo của họ”.

Cuối tuần vừa rồi, Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Thuỵ Điển đã công bố các kế hoạch với tổng trị giá 33 tỷ USD để hỗ trợ các công ty năng lượng trong nước, ngăn nguy cơ sụp đổ của các doanh nghiệp này trong bối cảnh giá khí đốt tăng “kinh hoàng”.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu có lúc tăng gần 40% trước khi chốt phiên với mức tăng 25%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 5 lần.

Cũng trong phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán khu vực giảm điểm mạnh và tỷ giá đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất 20 năm so với đồng USD, còn 1 Euro đổi 0,9925 USD.

Đức, quốc gia thành viên EU có sự phụ thuộc lớn nhất vào khí đốt Nga, tuyên bố sẽ chi ít nhất 65 tỷ Euro để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi sự bùng nổ của lạm phát do giá năng lượng tăng cao. Mới đây, Chính phủ Đức cũng đã tung một gói giải cứu trị giá nhiều tỷ Euro cho công ty năng lượng Uniper.

Ngày 5/9, Đức cho biết sẽ giữ 2 trong số 3 nhà máy điện hạt nhân của nước này trong trạng thái sẵn sàng hoạt động trở lại bất kỳ lúc nào sau thời hạn đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay, nhằm đảm bảo có đủ điện để vượt qua mùa đông.