08:53 31/08/2022

Chuyên gia kinh tế lo Fed không chống nổi lạm phát nếu Chính phủ Mỹ còn chi tiêu mạnh tay

An Huy

Một nghiên cứu cho rằng Fed không thể tự mình khống chế được sự leo thang của giá cả, thậm chí việc tăng lãi suất quyết liệt sẽ chỉ khiến cho tình hình thêm phần tồi tệ...

Từ trái qua: ông John C. Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York; bà Lael Brainard, Phó chủ tịch Fed; và ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming trong dịp hội nghị thường niên của Fed hôm 26/8 - Ảnh: Reuters.
Từ trái qua: ông John C. Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York; bà Lael Brainard, Phó chủ tịch Fed; và ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming trong dịp hội nghị thường niên của Fed hôm 26/8 - Ảnh: Reuters.

Tại hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Jackson Hole vào hôm 26/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương này có một trách nhiệm “vô điều kiện” là chống lạm phát và bày tỏ tin tưởng Fed sẽ thực thi được sứ mệnh đó.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố tại hội nghị của Fed lại cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ không thể tự mình khống chế được sự leo thang của giá cả, thậm chí việc tăng lãi suất quyết liệt sẽ chỉ khiến cho tình hình thêm phần tồi tệ.

Hãng tin CNBC dẫn nghiên cứu do hai nhà kinh tế học Francesco Bianchi của Đại học Johns Hopkins và Leonardo Melosi của Fed chi nhánh Chicago thực hiện cho thấy lạm phát hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự chi tiêu tài khoá mạnh tay của Chính phủ nước này khi phản ứng với đại dịch Covid. Vì lý do này, nghiên cứu cho rằng chỉ riêng tăng lãi suất sẽ không đủ để kéo lạm phát xuống.

“Các biện pháp can thiệp tài khoá gần đây nhằm ứng phó với đại dịch Covid đã làm thay đổi niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân vào khuôn khổ tài khoá. Việc can thiệp này thúc đẩy phục hồi kinh tế nhưng cũng dẫn tới sự gia tăng của lạm phát tài khoá. Sự gia tăng lạm phát này không thể được đảo ngược bằng cách chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ”, nghiên cứu nhận định.  

 

“Khi những mất cân đối tài khoá tăng lên và uy tín về tài khoá suy giảm, cơ quan quản lý tiền tệ (trong trường hợp này là Fed) có thể gặp thách thức ngày càng lớn trong việc bình ổn lạm phát quanh ngưỡng mục tiêu mà họ đề ra”.

Hai nhà kinh tế học Francesco Bianchi của Đại học Johns Hopkins và Leonardo Melosi của Fed Chicago

Theo khuyến nghị mà hai vị chuyên gia đưa ra, Fed chỉ có thể kéo lạm phát xuống “khi nợ công có thể được ổn định hoá một cách thành công bằng các kế hoạch tài khoá tương lai đáng tin cậy”. Nghiên cứu cho rằng nếu không có sự kiềm chế trong chi tiêu tài khoá, việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vay nợ tăng thêm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao hơn.

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA KỲ VỌNG LẠM PHÁT

Trong bài phát biểu được giới tài chính toàn cầu dõi theo ở Jackson Hole, ông Powell nói có 3 yếu tố chính hình thành nên quan điểm chính sách tiền tệ của ông hiện nay, bao gồm: Fed là người chịu trách nhiệm chính trong việc bình ổn giá cả; kỳ vọng của công chúng có vai trò đặc biệt quan trọng; và Fed không thể lùi bước trên con đường đã định nhằm kéo giá cả xuống.

Ông Bianchi và ông Melosi lập luận rằng cam kết chống lạm phát của Fed là không đủ, nhưng nhất trí với những gì ông Powell nói về kỳ vọng lạm phát. Họ nói mức nợ liên bang cao và việc Chính phủ tiếp tục chi tiêu khiến công chúng càng kỳ vọng rằng lạm phát sẽ giữ ở mức cao. Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn chi khoảng 4,5 nghìn tỷ USD trong các chương trình kích thích kinh tế trong đại dịch. Những khoản chi này khiến cho ngân sách liên bang Mỹ thâm hụt 3,1 nghìn tỷ USD trong tài khoá 2020; thâm hụt 2,8 nghìn tỷ USD trong tài khoá 2021; và tiếp tục “âm” thêm 726 tỷ USD trong 10 tháng đầu của tài khoá 2022.

Do vậy, nợ của Chính phủ Mỹ hiện đang ở mức tương đương 123% tổng sản phẩm trong nước (GDP), đã giảm nhẹ từ mức kỷ lục 128% GDP trong năm 2020 nhưng vẫn là mức cao nếu so với nợ của các năm tài khoá từ 1946 - năm Chính phủ Mỹ chi tiêu ồ ạt sau Chiến tranh Thế giới thứ hai - đến nay.

“Khi những mất cân đối tài khoá tăng lên và uy tín về tài khoá suy giảm, cơ quan quản lý tiền tệ (trong trường hợp này là Fed) có thể gặp thách thức ngày càng lớn trong việc bình ổn lạm phát quanh ngưỡng mục tiêu mà họ đề ra”, nghiên cứu viết.

Ngoài ra, nghiên cứu phát hiện thấy rằng nếu Fed vẫn tiếp tục con đường tăng lãi suất như đã vạch ra, mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn. Đó là bởi lãi suất tăng khiến cho khối nợ 30,8 nghìn tỷ USD của Chính phủ liên bang Mỹ trở nên đắt đỏ hơn vì Washington phải đi vay nợ mới để trả những khoản nợ cũ đáo hạn.

Năm nay, Fed đã nâng lãi suất cơ bản 2,2% điểm phần trăm và việc tăng lãi suất mạnh tay này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng bùng nổ. Trong quý 2, số tiền lãi tính cả năm mà Chính phủ Mỹ trả cho khối nợ trên là 599 tỷ USD, một con số kỷ lục - theo dữ liệu từ Fed.

“VÒNG LUẨN QUẨN” ĐÁNG SỢ

Nghiên cứu của ông Bianchi và ông Melosi cảnh báo rằng nếu không thắt chặt chính sách tài khoá, “một vòng luẩn quẩn của lãi suất danh nghĩa tăng, lạm phát tăng, kinh tế trì trệ, và nợ gia tăng sẽ xuất hiện”.

Trong bài phát biểu của mình, ông Powell nói Fed sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh một kịch bản tương tự như những gì đã xảy ra vào thập niên 1960 và 1970, khi chi tiêu chính phủ tăng vọt cộng thêm việc Fed chần chừ tăng lãi suất đã dẫn tới quãng thời gian nhiều năm “stagflation” - tình trạng lạm phát cao kết hợp tăng trưởng trì trệ. Tình trạng này kéo dài cho tới khi Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker tiến hành một chiến dịch nâng lãi suất quyết liệt, đẩy nền kinh tế chìm vào suy thoái sâu và ghìm lạm phát ở Mỹ ở mức thấp trong suốt 40 năm sau đó.

 

"Ông Powell có thể sẽ sớm phải hối tiếc vì dịch chuyển sang một lập trường cứng rắn hơn ở Jackson Hole, và như thế ông ấy sẽ phải dịch chuyển lần nữa sang một lập trường mềm mỏng hơn”.

Chuyên gia Ed Yardeni, Yardeni Research

“Liệu áp lực lạm phát hiện nay có dai dẳng như thập niên 1960 và 1970? Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có khả năng một xu hướng lạm phát dai dẳng tương tự sẽ diễn ra trong những năm sắp tới”, hai nhà nghiên cứu viết.

Họ nói thêm rằng “khả năng lạm phát cao dai dẳng mà nền kinh tế Mỹ đối mặt hiện nay có vẻ như xuất phát nhiều hơn từ sự kết hợp đáng lo ngại giữa mức nợ công khổng lồ và uy tín suy giảm của khuôn khổ tài khoá”. “Bởi vậy, công thức dùng để chống lạm phát cao vào đầu thập niên 1980 có thể sẽ không phát huy tác dụng ở thời điểm hiện nay”, hai vị chuyên gia nhận định.

Trong tháng 7, lạm phát ở Mỹ đã dịu đi phần nào, chủ yếu nhờ giá xăng giảm. Tuy nhiên, đã có những bằng chứng cho thấy lạm phát lan rộng trong nền kinh tế, đặc biệt ở giá lương thực-thực phẩm và giá thuê nhà. Trong vòng 1 năm tính đến tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,5%. Trong tháng 6, chỉ số này tăng 9,1%, cao nhất kể từ cuối năm 1981.

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng rằng một số yếu tố sẽ kết hợp, giúp kéo lạm phát xuống để Fed có thể hoàn thành sứ mệnh.

“Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ giảm, và điều đó sẽ gây áp lực giảm lớn lên lạm phát. Nếu lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng của Fed trong mấy tháng tới - theo như kịch bản chính của chúng tôi - Fed sẽ cảm thấy ‘dễ thở’ hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng Ian Shepherdson của Pantheon Macroeconomics nhận định.

Chuyên gia Ed Yardeni của Yardeni Research nói ông Powell đã không thừa nhận trong bài phát biểu của ông về vai trò của việc Fed nâng lãi suất và tiến hành thắt chặt định lượng (QT) đối với sự tăng giá của đồng USD và sự giảm tốc của nền kinh tế. Hôm thứ Hai, tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất 20 năm so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt.

“Bởi vậy, ông Powell có thể sẽ sớm phải hối tiếc vì dịch chuyển sang một lập trường cứng rắn hơn ở Jackson Hole, và như thế ông ấy sẽ phải dịch chuyển lần nữa sang một lập trường mềm mỏng hơn”, ông Yardeni nhận định.

Tuy nhiên, nghiên cứu của hai ông Bianchi và Melosi nhấn mạnh rằng cần nhiều hơn một cam kết tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống. Họ mở rộng lập luận để bao gồm câu hỏi: Điều gì đã xảy ra nếu Fed bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn, sau khi dành phần lớn thời gian của năm 2021 để nói rằng lạm phát chỉ là “tạm thời” và không đáng phải đưa ra phản ứng chính sách.