08:36 06/09/2022

Trở thành Thủ tướng Anh, bà Liz Truss cam kết chống khủng hoảng năng lượng và lạm phát

An Huy

Bà Truss nói trong vòng 1 tuần sẽ đưa ra một kế hoạch để giải quyết hoá đơn năng lượng ngày càng đắt đỏ và đảm bảo nguồn cung năng lượng tương lai...

Bà Liz Truss đã thắng trong cuộc đua đến ghế Thủ tướng Anh - Ảnh: Reuters.
Bà Liz Truss đã thắng trong cuộc đua đến ghế Thủ tướng Anh - Ảnh: Reuters.

Bà Liz Truss sẽ trở thành Thủ tướng mới của Anh sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền vào ngày thứ Hai (5/9).

Bà cam kết sẽ thực thi kế hoạch cắt giảm thuế đã đưa ra trong quá trình vận động tranh cử, cũng như hành động chống cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ ở xứ sương mù.

Sau nhiều tuần chạy đua quyết liệt, bà Truss - người hiện giữ cương vị Ngoại trưởng Anh và là ứng cử viên được đánh giá cao hơn để thay thế Thủ tướng sắp từ nhiệm Boris Johson - đã vượt qua cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak trong cuộc bỏ phiếu của các thành viên Đảng Bảo thủ. Bà Truss giành 81.326 phiếu, so với 60.399 phiếu dành cho ông Sunak - hãng Reuters đưa tin.

“Tôi sẽ triển khai một kế hoạch quyết đoán để cắt giảm thuế và đưa nền kinh tế của chúng ta phát triển”, bà Truss nói sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố. “Tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, xử lý vấn đề hoá đơn năng lượng của người dân, và cũng sẽ giải quyết các vấn đề dài hạn về nguồn cung năng lượng mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Bà Truss trở thành Thủ tướng Anh trong bối cảnh tình hình tài chính của các hộ gia đình ở nước này gặp khó khăn vì giá điện-khí đốt tăng chóng mặt, hoạt động sản xuất công nghiệp bị đặt vào thế rủi ro, nền kinh tế có khả năng đang rơi vào suy thoái, và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Hồi tháng 7, ông Johnson buộc phải tuyên bố từ chức sau loạt bê bối khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho chính quyền của ông giảm xuống mức thấp và nhiều bộ trưởng từ chức để ép ông phải rời ghế Thủ tướng. Ngày 6/9, ông Johnson sẽ tới Scotland để gặp nữ hoàng Elizabeth để chính thức từ chức. Tiếp đó, bà Truss sẽ gặp nữ hoàng và được nữ hoàng đề nghị thành lập một chính phủ mới.

 

Theo dự báo, hoá đơn năng lượng bình quân hàng năm của các hộ gia đình ở Anh sẽ tăng thêm 80% từ mức 3.549 Bảng vào tháng 10 năm nay lên mức 6.000 Bảng vào năm 2023. So với các nước khác ở châu Âu, Anh bị đánh giá là chậm trễ hơn trong việc hỗ trợ người tiêu dùng trong khủng hoảng năng lượng.

“Tôi biết bà ấy có kế hoạch đúng đắn để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đoàn kết nội bộ đảng và tiếp tục công việc vĩ đại là đoàn kết và nâng tầm đất nước chúng ta. Giờ là lúc tất cả những người Bảo thủ dành 100% sự ủng hộ cho bà ấy”, ông Johnson viết trên mạng xã hội Twitter.

Bà Truss sẽ trở thành Thủ tướng thứ tư của Đảng Bảo Thủ kể từ cuộc bầu cử vào năm 2015. Kể từ đó đến nay, nước Anh đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau. Mới nhất, lạm phát ở nước này đã lên mức 2 con số vào tháng 7 và nền kinh tế đang đối mặt khả năng rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.

Trong vòng chỉ vài phút sau khi chiến thắng của bà Truss được công bố, lãnh đạo doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ nhà hàng-khách sạn cho tới sản xuất công nghiệp đồng loạt lên tiếng đề nghị hỗ trợ ứng phó với giá năng lượng tăng cao và thị trường lao động thắt chặt để tránh cảnh công ty đổ vỡ.

Bà Truss, 47 tuổi, cam kết sẽ hành động nhanh chóng. Bà nói trong vòng 1 tuần sẽ đưa ra một kế hoạch để giải quyết hoá đơn năng lượng ngày càng đắt đỏ và đảm bảo nguồn cung năng lượng tương lai. Trong chiến dịch tranh cử, bà Truss tuyên bố sẽ xoá bỏ các kế hoạch tăng thuế của chính quyền trước và cắt giảm thuế, nhưng một số chuyên gia kinh tế nói rằng hành động như vậy sẽ càng khiến lạm phát tăng mạnh.

Kế hoạch giảm thuế của bà Truss, cộng thêm việc bà cam kết rà soát lại thẩm quyền của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhưng vẫn sẽ bảo vệ sự độc lập của cơ quan này, đã khiến một số nhà đầu tư bán tháo đồng Bảng Anh và trái phiếu chính phủ Anh.

Ông Kwasi Kwarteng, người nhiều khả năng sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ mới, đã có động thái trấn an thị trường trong ngày thứ Hai. Trong một bài báo đăng trên tờ Financial Times, ông Kwarteng nói sẽ có “một chút nới lỏng tài khoá” khi bà Truss cầm quyền, nhưng chính quyền mới sẽ hành động “một cách có trách nhiệm về tài khoá”.

Trên cương vị nhà lãnh đạo mới của nước Anh, bà Truss sẽ đối mạt với một danh sách dài, tốn kém và đầy thách thức những công việc cần làm. Nghị sỹ kỳ cựu David Davis của Đảng Bảo thủ gọi những thách thức mà bà Truss đối mặt “có lẽ là công việc khó khăn thứ nhì mà các Thủ tướng Anh sau Chiến tranh Thế giới 2 phải gánh vác”, chỉ sau những gì mà Thủ tướng Margaret Thatcher - một người Bảo thủ khác - phải đảm nhiệm vào năm 1979.

Nhiệm vụ đầu tiên trong danh sách những việc cần làm của bà Truss là chặn đà tăng của giá năng lượng. Theo dự báo, hoá đơn năng lượng bình quân hàng năm của các hộ gia đình ở Anh sẽ tăng thêm 80% từ mức 3.549 Bảng vào tháng 10 năm nay lên mức 6.000 Bảng vào năm 2023. So với các nước khác ở châu Âu, Anh bị đánh giá là chậm trễ hơn trong việc hỗ trợ người tiêu dùng trong khủng hoảng năng lượng.