14:13 16/01/2013

“Giấc mơ bay” của Boeing liên tục gây ác mộng

Hải Yến

Hàng loạt sự cố đã xảy đến với dòng máy bay đình đám Boeing 787 Dreamliner

Boeing 787 Dreamliner là sản phẩm đa quốc gia, theo nghiên cứu của Goldman Sachs.<br>
Boeing 787 Dreamliner là sản phẩm đa quốc gia, theo nghiên cứu của Goldman Sachs.<br>
Sáng nay (16/1), một chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không All Nippon Airway (ANA) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Takamatsu (Nhật Bản), sau khi chuông cảnh báo pin sử dụng cho thân máy bay có vấn đề, tờ Wall Street Journal cho hay.

Một nhà chức trách ở sân bay Takamatsu cho biết đã thấy khói phát ra từ máy bay.

Theo thông báo, chiếc máy bay trên đã phải hạ cánh khẩn cấp lúc 8h47 sáng nay (theo giờ địa phương) và toàn bộ 129 hành khách đã được sơ tán an toàn qua cửa thoát hiểm. 8 nhân viên trong phi hành đoàn cũng ra khỏi máy bay an toàn. Ngay sau đó, sân bay Takamatsu đã phải đóng cửa để phục vụ công tác điều tra về vụ việc nói trên.

Trong khi đó, theo nguồn tin của hãng tin AFP và đài truyền hình Nhật Bản NHK, thì nhiều người đã bị thương nhẹ khi sơ tán khỏi chiếc máy bay nói trên. NHK còn dẫn lời một hành khách trên chuyến bay cho biết, ông lo sợ máy bay sẽ rơi khi bay trên hòn đảo Shikoku.

AFP cho biết, ANA đã quyết định ngưng sử dụng toàn bộ 17 chiếc Boeing 787 của hãng này. Hãng hàng không Japan Airlines cũng ngưng sử dụng toàn bộ 7 chiếc của họ.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một phát ngôn viên của Boeing từ Chicago cho hay, "chúng tôi đã biết tin về sự việc và đang hợp tác với phía khách hàng”. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt sự cố bao gồm rò rỉ nhiên liệu, nứt cửa sổ buồng lái, trục trặc phanh và hỏa hoạn liên quan tới dòng máy bay này gần đây.

Cuối tuần trước, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ra lệnh kiểm tra toàn diện khâu thiết kế, sản xuất và lắp ráp Boeing 787 Dreamliner. Cục trưởng FAA Michael P.Huerta cho hay họ sẽ xem xét kỹ các hệ thống điện của Boeing 787, trong đó có bộ phận pin và phân phối điện.

Trước khi cấp phép hoạt động cho Boeing 787, FAA đã thực hiện 200.000 giờ xem xét và kết quả đạt được được khá tốt. Tuy nhiên, những sự cố gần đây buộc FAA phải kiểm tra lại. Việc điều tra được thực hiện sau khi một chiếc của Japan Airlines bất ngờ bốc cháy ở sân bay Boston và một chiếc khác bị rò rỉ nhiên liệu khi sắp cất cánh cũng ở sân bay này.

Sau đó, Boeing tuyên bố vụ cháy là do lửa phát ra từ bộ ắc quy dành cho nguồn điện phụ trợ của máy bay. Tiếp đó, tới ngày 11/1, ANA phát hiện hiện tượng rò rỉ dầu từ động cơ trái của chiếc Boeing 787 Dreamliner. Theo phát ngôn viên của ANA, vết rò rỉ bị phát hiện sau khi máy bay hạ cánh an toàn tại sân bay Miyazaki, miền nam Nhật Bản.

Sự cố thứ hai xảy ra trên một chuyến bay khác cũng của ANA. Kính chắn gió trước ghế ngồi của phi công trong buồng lái đã bị nứt sau khi cất cánh 70 phút. Chiếc máy bay chở 246 hành khách này sau đó đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Matsuyama ở miền tây Nhật Bản. Giới chức sân bay Matsuyama cho biết, vết nứt được phát hiện ở một trong năm lớp kính.

Mặc dù các sự cố của Dreamliner chưa dẫn đến thương vong, nhưng đã gây quan ngại về an toàn của loại máy bay đắt đỏ này. Kể từ khi Boeing 787 thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 11/2011, hãng Boeing đã bán 50 chiếc loại này và nhận đơn đặt hàng hơn 800 chiếc. Hai hãng hàng không Nhật ANA và Japan Airlines nằm trong số những khách hàng lớn nhất.

* Sản phẩm "Liên hiệp quốc"

Mặc dù Boeing là một trong những thương hiệu có tính biểu tượng nhất của nước Mỹ, song cũng có thể xem Boeing 787 Dreamliner là tác phẩm chung của rất nhiều quốc gia,
theo nghiên cứu của hãng Goldman Sachs.

1. Thân khoang đầu máy bay: Mỹ

2. Thân khoang gần đầu máy bay: Nhật

3. Thân khoang giữa máy bay: Italy

4. Thân khoang đuôi: Mỹ

5. Bánh xe tiếp đất: Anh quốc

6. Cửa máy bay: Pháp

7. Cửa khoang hành lý: Thụy Điển

8. Động cơ: Anh

9. Vỏ động cơ: Canada

10. Cánh máy bay: Nhật

11. Chóp cánh: Hàn Quốc

12. Cánh nhỏ sau: Australia

13. Cánh nhỏ trước: Mỹ

14. Cánh đuôi ngang: Italy

15. Cánh đuôi đứng: Mỹ

16. Ghế, đai an toàn: Pháp, Mỹ

17. Thiết bị giải trí trong khoang: Pháp, Nhật

18. Khoang lái, thiết bị điện tử trong khoang: Pháp, Mỹ

19. Nguồn điện: Pháp, Mỹ

20. Hệ thống quản lý điện và linh kiện: Anh, Pháp, Mỹ