06:00 02/11/2021

Giảm gánh nặng chi phí, doanh nghiệp “dễ thở” hơn

Vũ Khuê

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 hai năm qua đã làm nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực bị kiệt quệ. Trong khi đó, chi phí kinh doanh lại tăng cao khiến không ít doanh nghiệp trong cảnh “khó chồng khó”. Vì thế, tháo gỡ khó khăn, cắt giảm các loại chi phí luôn là vấn đề các doanh nghiệp mong mỏi...

Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nhận định về “sức khoẻ” của doanh nghiệp tại diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh” mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động.

DOANH NGHIỆP RẤT CẦN ĐƯỢC "TRỢ THỞ"

Trong 9 tháng năm 2021, đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Tính bình quân mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. “Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Vinh lo ngại.

Để phục hồi nền kinh tế, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất, liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp các doanh nghiệp, người dân vượt qua bộn bề khó khăn.

Tuy nhiên, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, ông Vinh cho rằng các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng.

Sự hỗ trợ phải mạnh mẽ, liên tục, kịp thời, dễ tiếp cận. Các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa. Đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

 
"Nhà nước cần hỗ trợ bằng cách tiếp tục giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, điều chỉnh mức và kéo dài thời gian hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có việc điều chỉnh giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Thời gian cắt giảm phí lệ phí nên kéo dài đến hết năm 2022".
Ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam.

Là lĩnh vực chịu tổn thất vô cùng lớn từ đại dịch, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam chia sẻ, sau đại dịch, hướng ưu tiên của các doanh nghiệp hàng không là tiếp tục tiết kiệm chi phí. Do đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên xem xét, kéo dài đến hết năm 2022, thậm chí đến hết năm 2023.

Đồng thời, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp để họ cải thiện dòng tiền và có vốn hoạt động. Hỗ trợ các chương trình đầu tư cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không trong nước nhằm giảm chi phí vốn.

Tương tự, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Tổng giám đốc T&M Forwarding, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp logistics.

“Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019”.

Tuy nhiên, với tình hình giá cước vận tải biển tăng cao, có những tuyến tăng gấp 10 lần như thời gian vừa qua, kéo theo doanh thu của những doanh nghiệp logistics, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải quốc tế tăng theo, nhiều doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại doanh thu đã vượt 200 tỷ.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, ngược lại, áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều. Do đó, ông Khoa kiến nghị áp dụng giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp linh hoạt với ngành nghề lĩnh vực. Có thể nới quy định về doanh thu lên mức phù hợp với doanh nghiệp logistics.

CẮT GIẢM CÁC CHI PHÍ TUÂN THỦ

Nghị quyết 406 quy định “giảm 30% thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ vận tải”, song lại “vắng bóng” những doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải. Thực tế, doanh nghiệp vận tải khó khăn thì doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ đi kèm vận tải cũng khó khăn.

Do đó, ông Khoa kiến nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải, chứ không đơn thuần là doanh nghiệp vận tải như quy định tại Nghị định 406.

Ở góc độ pháp lý, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng cần giảm chi phí tuân thủ hành chính cho doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dường như chưa nhiều.

Đến thời điểm hiện tại, đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 được ban hành như Nghị quyết 68/CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020–2025; Nghị quyết số 76 ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

 
"Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại. Một mặt hàng có thể bị quản lý cùng lúc bởi nhiều bộ ngành. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các bộ, ngành mới giải quyết xong. Việc này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI)

Tuy nhiên, nhìn lại năm qua chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới. Theo ông Tuấn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ hai chương trình.

Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao trong thực hiện chủ trương đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…).

Thứ hai, là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành). Quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.

Ông Tuấn cũng đề xuất, các bộ, ngành giảm số nhóm sản phẩm, dòng hàng cần kiểm tra và giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Việc kiểm tra cần thực hiện triệt để theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, kiểm tra theo xác suất.

“Cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hoá thương mại. Cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu – Bắc Mỹ. Điều này sẽ làm giảm ùn tắc, quá tải cảng cửa ngõ và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Khoa bổ sung thêm.

Đồng thời ông Khoa đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP.Hải Phòng và tới đây là TP.HCM.

Đại diện VLA cũng đề nghị các bộ, ngành quản lý chỉ đạo hiệu quả việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển thiếu kiểm soát như hiện nay.

Bên cạnh đó, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao như hiện nay. Đây là một vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta đang yêu cầu được giải quyết.