11:32 25/05/2021

Giảm khủng hoảng việc làm?

Dũng Hiếu

Cần những giải pháp mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi dịch Covid bùng phát mạnh mẽ, Chính phủ đã sớm có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, rất cần hướng các giải pháp đến những mục tiêu cụ thể hơn nhằm giảm cú sốc khủng hoảng việc làm.

Có thể thấy, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp buộc phải lựa chọn: hoặc phá sản hoặc thay đổi mô hình để tiếp tục tồn tại và sống sót chờ đợi thời cơ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Giảm khủng hoảng việc làm? - Ảnh 1

Báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3/2021 cho thấy, có tới 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã phải cho người lao động nghỉ việc. Có tới 87,2% doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Những ảnh hưởng chủ yếu là doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền và khó khăn trong quản trị lao động.

QUY MÔ DOANH NGHIỆP GIẢM, LAO ĐỘNG MẤT VIỆC TĂNG

Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động trong doanh nghiệp và ảnh hưởng nhiều hơn đến các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Để đối phó những khó khăn do tác động của đại dịch, 92% doanh nghiệp tư nhân, 96% doanh nghiệp FDI đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19 bằng nhiều giải pháp. Cụ thể như: dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới, áp dụng tự động hóa.

Theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

 

Phần lớn những sáng kiến được đưa ra cho khu vực này tập trung vào giãn, giảm thuế, hỗ trợ về thuế, cho vay, giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có những hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức không liên quan đến thuế hoặc không có cơ hội tiếp cận với các chính sách chính thức. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiêp khu vực này; đặc biệt là thông qua các doanh nghiệp trong khu vực chính thức để hỗ trợ các doanh nghiệp phi chính thức.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, khảo sát ở một nơi cho thấy số người lao động bị tạm dừng làm việc từ một tháng trở lên chiếm 25 - 30%, số người mất việc hoặc phải nghỉ việc luân phiên cũng khá lớn.

Tính riêng trong quý 1 năm nay đã có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng dịch, 540.000 người mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, có 6,5 triệu người bị giảm thu nhập.

Các chuyên gia lao động nhận định, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý 1/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Những khó khăn này chính là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chiến thắng đại dịch.

Một thực tế không thể phủ nhận, trong cuộc chiến chống Covid-19, các DN và người lao động không hề đơn độc, bởi Chính phủ đã và đang thực hiện hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ phần nào khó khăn trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng “này.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thực hiện được nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì sự phát triển kinh tế.

KHÔNG TĂNG GÁNH NẶNG CHO DOANH NGHIỆP

Vẫn còn quá sớm để khẳng định Việt Nam đã hoàn toàn chiến thắng Covid-19. Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trước những “làn sóng” dịch được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

Giảm khủng hoảng việc làm? - Ảnh 2

Chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động dù được cho là khó tiếp cận, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. 75% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thật sự hữu ích.

Đánh giá về những chính sách của Chính phủ Việt Nam, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhận định Việt Nam đã đạt được những thành tích rất tốt, đặc biệt trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 cũng như đạt được mức tăng trưởng gần 3% trong năm 2020. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều đạt được kết quả tương tự.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng không tăng thuế, không ban hành thêm những sắc thuế là không làm tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Theo ông Thiên, ngoài những gói hỗ trợ doanh nghiệp, việc ổn định môi trường chính sách trong thời điểm này là yêu cầu bắt buộc để giúp DN có thể tiên liệu được.

Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025. Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.

Trong tình hình hiện nay, khả năng sẽ tiếp tục có thêm nhiều lao động phải nghỉ việc. Theo cảnh báo của TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới kéo cả hệ thống đi xuống. Nhằm làm chậm và giảm cú sốc từ khủng hoảng việc làm, mục tiêu quan trọng ở thời điểm này là làm thế nào để duy trì việc làm.

Giảm khủng hoảng việc làm? - Ảnh 3

Theo đó, cần phải hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Để làm được điều này, cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động, giữa cả hai bên với cơ quan chức năng để tìm được hướng điều chỉnh từng bước đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận.

ILO khuyến cáo, đối thoại xã hội có thể tạo nên niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện nhằm giảm nguy cơ bất ổn xã hội. Cùng đó là môi trường làm việc cho người lao động cũng phải được coi trọng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và nghề nghiệp nghiêm ngặt trước khi cho họ trở lại làm việc để hạn chế khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Những giải pháp này sẽ giúp nền kinh tế hồi phục nhanh khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Theo các chuyên gia lao động, ngay từ bây giờ cũng cần phải chuẩn bị những điều kiện để khôi phục sản xuất khi dịch Covid -19 được kiểm soát. Đồng thời phải giữ chân người lao động bằng cách làm việc linh hoạt, luân phiên, giãn ca.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search khẳng định, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động để sau khi hết dịch họ sẽ làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn.

TS. Chang-Hee Lee nhấn mạnh giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó cuộc khủng hoảng kép này. Đã đến lúc cần chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động.

"Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức của Liên hợp quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn”, TS. Chang-Hee Lee khẳng định.