Từ 1/7/2025, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương
Từ ngày 1/7/2025, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng, bao gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn, đều có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cơ bản kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, và bổ sung quy định về thời hạn đóng chậm nhất.
Trong đó, về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được xác định như sau: 3% trên tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% trên tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tổng cộng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng. Tỷ lệ này được phân bổ giữa người lao động và người sử dụng lao động với các trường hợp sau:

Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định khác nhau tùy thuộc vào chế độ tiền lương áp dụng.
Cụ thể, đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm, và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương, và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên hưởng sinh hoạt phí, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong 2 năm đầu là 2 lần mức tham chiếu.
Sau đó, cứ mỗi năm tiếp theo tăng thêm 0,5 lần mức tham chiếu, tối đa bằng 4 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu, và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng. Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ, mức tham chiếu sẽ thay thế, và không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Về phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối với người lao động, thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo phương thức hằng tháng.
Riêng người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, có thể đóng hằng tháng, 3 tháng, hoặc 6 tháng một lần.
Đối với người sử dụng lao động, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất là: Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng, đối với phương thức đóng 3 tháng, hoặc 6 tháng một lần.
Người sử dụng lao động có thể được xem xét tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong các trường hợp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian tạm dứng đóng tối đa 12 tháng. Sau thời hạn tạm dừng, phải đóng bù.