11:54 09/05/2021

Đảm bảo việc làm bền vững cần nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện việc làm của người lao động

Dũng Hiếu

Góp ý cho dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động, các chuyên gia lao động đều khẳng định cần phải tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong công nhân lao động, để sớm đưa chính sách vào cuộc sống...

Với chủ đề bảo đảm việc làm chắc chắn, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động, dự thảo này được xây dựng sau Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào cuối năm 2020.

NHIỀU LAO ĐỘNG CHƯA CÓ VIỆC LÀM CHẮC CHẮN 

TheoTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đời sống, việc làm của người lao động là vấn đề rất quan trọng. Bởi trong bối cảnh mới, nhất là dưới tác động của hội nhập quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, công nhân và người lao động nước ta đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là trình độ tay nghề còn chưa cao, khả năng thích ứng, thu nhập một số ngành ngành còn thấp. Chưa kể, dịch Covid-19 diễn ra trong nước cũng như trên toàn cầu khiến nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty phải giảm, giãn việc.

Tại Hội nghị này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp cụ thể, bảo đảm việc làm chắc chắn, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, giảm bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn của công nhân. Đồng thời giao Bộ Lao động- Thương binh  & Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Nói về đời sống công nhân lao động hiện nay, đại diệnTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm bền vững, điều kiện lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Đời sống công nhân lao động nói chung chưa cao, ở nhiều nơi sức khỏe của họ chưa được chăm sóc đầy đủ.

Nêu một số vấn đề đang tồn tại liên quan đến việc làm và đời sống người lao động, ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết tình trạng chủ doanh nghiệp trốn về nước hoặc bán lại cho một chủ doanh nghiệp khác khiến người lao động không lấy được tiền lương.

 

Hiện nay, thu nhập của người lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài bình quân được cho là cao, tuy nhiên người lao động trực tiếp chỉ được hưởng mức lương thấp ở mức tối thiểu vùng. Doanh nghiệp để người lao động hưởng một số trợ cấp như, đi lại, ăn ở, chuyên cần... nhằm giảm mức đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, điều kiện chỗ ở của người lao động hiện ở mức kém và mất an toàn, vấn nạn tín dụng đen đang làm ảnh hưởng đến việc làm bền vững của công nhân lao động. Tình trạng công nhân nữ bị xâm hại và công nhân nam bị bắt nạt xảy ra thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của người lao động.

Góp ý về việc xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh  & Xã hội), nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Chỉ thị, cần phải xác định cụ thể đối tượng, tập trung vào công nhân của các khu công nghiệp và xác định rõ vấn đề và phương án giải quyết.

Hiện còn nhiều vấn đề lớn và phức tạp như: chủ doanh nghiệp bỏ trốn đã diễn ra nhiều năm qua. Hay rất khó thu hút doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân vì giá thành thấp, giá đất cao; việc siết chặt điều kiện làm việc dẫn đến tăng giá thành sản phẩm... “Những vấn đề này cần có một giải pháp cụ thể để xử lý”, ông Bình nói.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP CỤ THỂ 

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động- Thương binh  & Xã hội) cho rằng cần đặt ra nhóm ba vấn đề là: làm thế nào, giải pháp gì để đảm bảo người lao động có thể tìm kiếm và chuyển việc làm khi cần thiết. Còn vấn đề liên quan đến tiền lương và điều kiện lao động đối với người có quan hệ lao động, cần hoàn thiện luật pháp, tổ chức thực hiện  các giải pháp về quan hệ lao động.

Ông Bình đề xuất: “Cần tăng cường sự quan tâm đến các vấn đề như nhà ở, y tế, giáo dục và các nhu cầu về đời sống văn hóa, giải trí cho người lao động”.

 

"Muốn đảm bảo việc làm bền vững, cần đảm bảo quyền tiền lương và an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức sống và cải thiện môi trường làm việc của người lao động".

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội)

Theo ông Hưng, chỉ thị cần tập trung việc hoàn thiện thể chế, đảm bảo quyền của người lao động, tạo việc làm và cải thiện đời sống người lao động bằng tiền lương, cải thiện điều kiện nơi làm việc, đảm bảo an sinh xã hội.

“Đồng thời, chăm lo đến những đối tượng lao động yếu thế, hỗ trợ những vấn đề liên quan đến hạ tầng cơ sở và thực hiện quyền tham gia đối thoại của người lao động”, ông Nguyễn Duy Hưng chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động nhằm khẩn trương giải quyết những khó khăn vướng mắc còn đang tồn tại thuộc lĩnh vực này. Để tránh việc trùng lặp những nội dung chính sách đã và đang thực hiện, các cục, vụ của Bộ cần tập trung làm rõ và đi vào cụ thể ba mục tiêu chính.

Đó là: việc làm bền vững, nâng cao mức sống và việc cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. “Xác định rõ những vấn đề đang gây bức xúc trong đời sống, việc làm của người lao động để đưa vào chỉ thị nhằm giải quyết sớm nhất các vấn đề làm ảnh hưởng đến công nhân lao động”, ông Thanh đề nghị....

Được biết, hiện các đơn vị thuộc Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội đã và đang tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Chỉ thị và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2021.