Giảm lãi suất: Đã “hẹn” mà khó đến?
Đã đến tháng 9. Lộ trình giảm lãi suất “bước 2” đã gần. Nhưng để giảm tiếp, những thuận lợi trên thực tế thì ít, khó khăn thì nhiều
Đã đến tháng 9. Lộ trình giảm lãi suất “bước 2” đã gần. Nhưng để giảm tiếp, những thuận lợi trên thực tế thì ít, khó khăn thì nhiều.
Ngày 3/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2010; trong đó tiếp tục có đánh giá: “Lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn còn ở mức khá cao”, và đây là một trong những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm.
Trước đó, trong các nghị quyết tháng 5, 6 và 7, Chính phủ đã nhấn mạnh đến yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét để định hướng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay VND.
“Điểm hẹn” tháng 9
Nhớ lại, vào ngày 25/6/2010, tổng giám đốc một số ngân hàng thương mại tại Tp.HCM và Hà Nội đã có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA). Cùng ngày, kết quả cuộc họp đã được Ngân hàng Nhà nước công bố.
Nội dung chính của cuộc họp là sự thống nhất định hướng và lộ trình giảm lãi suất huy động và cho vay VND: “bước 1”, từ tháng 7, lãi suất huy động rút xuống khoảng 11%/năm, và “bước 2”, phấn đấu vào cuối tháng 9/2010 xuống mức khoảng 10,2% - 10,5%/năm.
Định hướng đó nhằm tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, tiến dần tới chủ trương lãi suất huy động VND khoảng 10% và cho vay khoảng 12% mà Chính phủ dự tính trước đó.
Đúng hẹn, đến 5/7, hầu hết các ngân hàng thương mại đồng loạt rút lãi suất huy động VND. Nhiều thành viên “kéo thẳng” lãi suất huy động thống nhất 11,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất cho vay các nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh cũng hạ dần về khoảng 12,5% - 15%/năm, tuy theo các nhóm đối tượng và chính sách ưu đãi.
Thế nhưng, đến tận tuần từ 6 - 12/8, một số thành viên như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Mê Kông, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải vẫn áp dụng mức lãi suất cao hơn mức đồng thuận của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với lãi suất 11,25% - 11,3%/năm. Và phải đến tuần kế tiếp mới rút về mức cao nhất 11,2%/năm (theo thông tin cập nhật hàng tuần của Ngân hàng Nhà nước).
Nay, đã bắt đầu tháng 9, thị trường chờ đợi khả năng các ngân hàng thực hiện tiếp “bước 2” như đã dự tính tại cuộc họp nói trên; lãi suất huy động VND phấn đấu giảm về 10,2% - 10,5%/năm, tạo điều kiện để có thể giảm tiếp lãi suất cho vay.
Gánh nặng 0,75%
Chuẩn bị cho cuộc họp nội bộ vào hôm sau, gần nửa đêm, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội liên hệ với phóng viên với câu hỏi: tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là bao nhiêu?
Không phải ngẫu nhiên con số đó được tìm hiểu. Thực tế, một con số công bố chính thức và cụ thể hiện không có nguồn. Nhưng nếu “lần” theo thông tin mà đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây?
Tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), có đưa ra thông tin: tính đến cuối tháng 5/2010, tổng dư nợ cho vay tín dụng bất động sản đạt 192.000 tỷ đồng; tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản chiếm 10% trong tổng dư nợ tín dụng. Căn cứ vào những thông tin này, con số tổng dư nợ có thể ước tính một cách tương đối, vào khoảng hơn 1,92 triệu tỷ đồng.
Trở lại cuộc gọi của lãnh đạo ngân hàng nói trên, sự quan tâm của ông là phía sau con số đó là gì khi thực hiện chính sách mới; hay theo cách ông nói: “Gánh nặng 0,75%”.
Theo quy định tại Điều 9 của Quyết định 493 ngày 22/4/2005, “Các tổ chức tín dụng phải trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,75% tổng giá trị của các khoản nợ. Trong thời hạn tối đa năm năm kể từ khi quyết định này có hiệu lực, tổ chức tín dụng phải trích lập đầy đủ số tiền dự phòng chung”. Nay, đã đến hạn 5 năm.
0,75% đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trích dự phòng chung gần 15.000 tỷ đồng (theo con số ước tính tổng dư nợ nói trên), thay vì có thể cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề chi phí của các nhà băng.
Liên quan đến khoản trích lập này, VNBA cũng đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước. Như đã đề cập ở một bài viết gần đây trên VnEconomy, VNBA cho rằng, trong điều kiện hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện nay, tỷ lệ trích lập dự phòng chung 0,75% trên là quá cao. Vì hiện nay, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại rất thấp, khoảng 2%, thậm chí có ngân hàng thương mại mức chênh lệch này còn 1,5% - 1,8%.
“Việc các ngân hàng thương mại còn phải trích lập dự phòng chung theo quy định là 0,75% trên dư nợ cho vay từ nhóm 1 đến nhóm 4 sẽ rất khó cho các ngân hàng đảm bảo hiệu quả kinh doanh và thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay”, VNBA lập luận.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho giảm tỷ lệ này từ 0,75% xuống còn 0,5%. Đề nghị này hiện còn để ngỏ.
Và cũng không mới, nếu Thông tư số 13 của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định và lộ trình thực hiện (từ 1/10/2010), việc hạ lãi suất của các ngân hàng sẽ có thêm trở ngại.
Trong bản tin mới đây, một công ty chứng khoán nhận định: “Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/10/2010 đưa ra quy định rất chặt chẽ về tỷ lệ cho vay/vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng thương mại chỉ được dùng 80% vốn huy động để cho vay ra bên ngoài. Tuy nhiên tiền gửi không kì hạn của các tổ chức lại không được tính vào phần để cho vay, trong khi ước tính loại tiền gửi này chiếm từ 15-20% tổng vốn huy động.
Với quy định này, ngân hàng hoặc là phải hạn chế cho vay hoặc tăng cường huy động từ dân cư và doanh nghiệp. Hạn chế cho vay là không khả thi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ngân hàng, trong khi ngân hàng có thể đẩy mạnh vốn huy động bằng cách tăng lãi suất tiền gửi. Do vậy chúng tôi cho rằng Thông tư số 13 chính là một bước cản cho định hướng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước”.
Đã “hẹn” mà khó đến?
Từ trung tuần tháng 8 vừa qua, nhu cầu vay vốn trên thị trường mở (OMO) của các ngân hàng đột ngột giảm mạnh. Có những nguyên do, trong đó tình hình thanh khoản và vốn khả dụng tốt là một yếu tố được tính đến. Điều này cũng được phản ánh trong một số phân tích chính thống đưa ra gần đây, như một tín hiệu góp phần ủng hộ cho hướng giảm tiếp lãi suất.
Nhưng, đã “hẹn” mà khó đến. Trước mắt sức ép thực hiện những quy định mới có ảnh hưởng đến nguồn vốn và lợi nhuận các ngân hàng nói trên đang đè nặng. Kết quả rà soát và kiểm tra lại một số nội dung của Thông tư 13 hiện chưa công bố để có thể điều chỉnh hay không, đề nghị của VNBA về giảm tỷ lệ 0,75% đó cũng chưa có câu trả lời được công bố, trong khi lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại trước khi vào “mùa cao điểm” cuối năm…
Để hạ lãi suất huy động về 10,2% - 10,5%/năm như dự tính tại cuộc họp ngày 25/6, hay về 10%/năm như định hướng mà Chính phủ đề ra, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, có lẽ phải chờ những động thái cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 3/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2010; trong đó tiếp tục có đánh giá: “Lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn còn ở mức khá cao”, và đây là một trong những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm.
Trước đó, trong các nghị quyết tháng 5, 6 và 7, Chính phủ đã nhấn mạnh đến yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét để định hướng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay VND.
“Điểm hẹn” tháng 9
Nhớ lại, vào ngày 25/6/2010, tổng giám đốc một số ngân hàng thương mại tại Tp.HCM và Hà Nội đã có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA). Cùng ngày, kết quả cuộc họp đã được Ngân hàng Nhà nước công bố.
Nội dung chính của cuộc họp là sự thống nhất định hướng và lộ trình giảm lãi suất huy động và cho vay VND: “bước 1”, từ tháng 7, lãi suất huy động rút xuống khoảng 11%/năm, và “bước 2”, phấn đấu vào cuối tháng 9/2010 xuống mức khoảng 10,2% - 10,5%/năm.
Định hướng đó nhằm tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, tiến dần tới chủ trương lãi suất huy động VND khoảng 10% và cho vay khoảng 12% mà Chính phủ dự tính trước đó.
Đúng hẹn, đến 5/7, hầu hết các ngân hàng thương mại đồng loạt rút lãi suất huy động VND. Nhiều thành viên “kéo thẳng” lãi suất huy động thống nhất 11,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất cho vay các nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh cũng hạ dần về khoảng 12,5% - 15%/năm, tuy theo các nhóm đối tượng và chính sách ưu đãi.
Thế nhưng, đến tận tuần từ 6 - 12/8, một số thành viên như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Mê Kông, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải vẫn áp dụng mức lãi suất cao hơn mức đồng thuận của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với lãi suất 11,25% - 11,3%/năm. Và phải đến tuần kế tiếp mới rút về mức cao nhất 11,2%/năm (theo thông tin cập nhật hàng tuần của Ngân hàng Nhà nước).
Nay, đã bắt đầu tháng 9, thị trường chờ đợi khả năng các ngân hàng thực hiện tiếp “bước 2” như đã dự tính tại cuộc họp nói trên; lãi suất huy động VND phấn đấu giảm về 10,2% - 10,5%/năm, tạo điều kiện để có thể giảm tiếp lãi suất cho vay.
Gánh nặng 0,75%
Chuẩn bị cho cuộc họp nội bộ vào hôm sau, gần nửa đêm, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội liên hệ với phóng viên với câu hỏi: tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là bao nhiêu?
Không phải ngẫu nhiên con số đó được tìm hiểu. Thực tế, một con số công bố chính thức và cụ thể hiện không có nguồn. Nhưng nếu “lần” theo thông tin mà đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây?
Tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), có đưa ra thông tin: tính đến cuối tháng 5/2010, tổng dư nợ cho vay tín dụng bất động sản đạt 192.000 tỷ đồng; tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản chiếm 10% trong tổng dư nợ tín dụng. Căn cứ vào những thông tin này, con số tổng dư nợ có thể ước tính một cách tương đối, vào khoảng hơn 1,92 triệu tỷ đồng.
Trở lại cuộc gọi của lãnh đạo ngân hàng nói trên, sự quan tâm của ông là phía sau con số đó là gì khi thực hiện chính sách mới; hay theo cách ông nói: “Gánh nặng 0,75%”.
Theo quy định tại Điều 9 của Quyết định 493 ngày 22/4/2005, “Các tổ chức tín dụng phải trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,75% tổng giá trị của các khoản nợ. Trong thời hạn tối đa năm năm kể từ khi quyết định này có hiệu lực, tổ chức tín dụng phải trích lập đầy đủ số tiền dự phòng chung”. Nay, đã đến hạn 5 năm.
0,75% đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trích dự phòng chung gần 15.000 tỷ đồng (theo con số ước tính tổng dư nợ nói trên), thay vì có thể cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề chi phí của các nhà băng.
Liên quan đến khoản trích lập này, VNBA cũng đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước. Như đã đề cập ở một bài viết gần đây trên VnEconomy, VNBA cho rằng, trong điều kiện hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện nay, tỷ lệ trích lập dự phòng chung 0,75% trên là quá cao. Vì hiện nay, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại rất thấp, khoảng 2%, thậm chí có ngân hàng thương mại mức chênh lệch này còn 1,5% - 1,8%.
“Việc các ngân hàng thương mại còn phải trích lập dự phòng chung theo quy định là 0,75% trên dư nợ cho vay từ nhóm 1 đến nhóm 4 sẽ rất khó cho các ngân hàng đảm bảo hiệu quả kinh doanh và thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay”, VNBA lập luận.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho giảm tỷ lệ này từ 0,75% xuống còn 0,5%. Đề nghị này hiện còn để ngỏ.
Và cũng không mới, nếu Thông tư số 13 của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định và lộ trình thực hiện (từ 1/10/2010), việc hạ lãi suất của các ngân hàng sẽ có thêm trở ngại.
Trong bản tin mới đây, một công ty chứng khoán nhận định: “Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/10/2010 đưa ra quy định rất chặt chẽ về tỷ lệ cho vay/vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng thương mại chỉ được dùng 80% vốn huy động để cho vay ra bên ngoài. Tuy nhiên tiền gửi không kì hạn của các tổ chức lại không được tính vào phần để cho vay, trong khi ước tính loại tiền gửi này chiếm từ 15-20% tổng vốn huy động.
Với quy định này, ngân hàng hoặc là phải hạn chế cho vay hoặc tăng cường huy động từ dân cư và doanh nghiệp. Hạn chế cho vay là không khả thi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ngân hàng, trong khi ngân hàng có thể đẩy mạnh vốn huy động bằng cách tăng lãi suất tiền gửi. Do vậy chúng tôi cho rằng Thông tư số 13 chính là một bước cản cho định hướng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước”.
Đã “hẹn” mà khó đến?
Từ trung tuần tháng 8 vừa qua, nhu cầu vay vốn trên thị trường mở (OMO) của các ngân hàng đột ngột giảm mạnh. Có những nguyên do, trong đó tình hình thanh khoản và vốn khả dụng tốt là một yếu tố được tính đến. Điều này cũng được phản ánh trong một số phân tích chính thống đưa ra gần đây, như một tín hiệu góp phần ủng hộ cho hướng giảm tiếp lãi suất.
Nhưng, đã “hẹn” mà khó đến. Trước mắt sức ép thực hiện những quy định mới có ảnh hưởng đến nguồn vốn và lợi nhuận các ngân hàng nói trên đang đè nặng. Kết quả rà soát và kiểm tra lại một số nội dung của Thông tư 13 hiện chưa công bố để có thể điều chỉnh hay không, đề nghị của VNBA về giảm tỷ lệ 0,75% đó cũng chưa có câu trả lời được công bố, trong khi lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại trước khi vào “mùa cao điểm” cuối năm…
Để hạ lãi suất huy động về 10,2% - 10,5%/năm như dự tính tại cuộc họp ngày 25/6, hay về 10%/năm như định hướng mà Chính phủ đề ra, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, có lẽ phải chờ những động thái cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước.