Giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường giao dịch hàng hóa
Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của Dự thảo Nghị định đối với các chủ thể liên quan, đảm bảo hoàn thiện hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo đúng định hướng xây dựng Nghị định đã đưa ra…
Ngày 27/9, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV).
SỬA NGHỊ ĐỊNH, GIẢI QUYẾT CÁC BẤT CẬP TRONG HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA TẠI VIỆT NAM
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định, cho rằng quá trình 18 năm thực hiện hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan… đã tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều Luật có tác động đến lĩnh vực này như Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020…
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết.
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia, đàm phán, ký kết nhiều FTA ở cả cấp độ song phương và đa phương, dẫn tới nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.
Do đó, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Dự thảo Nghị định bao gồm 16 chương và 140 điều quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
VẪN CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN
Tại hội thảo, TS. Trần Văn Bình, Chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giao dịch hàng hóa và cũng từng là thành viên kinh doanh trên MXV đặt vấn đề: "Cần làm rõ vai trò của MXV hiện nay là gì?".
Nghị định 158 quy định: Lựa chọn loại hàng hoá trong danh mục hàng hoá được quy định tại Điều 32 Nghị định này để tổ chức giao dịch mua bán hàng hoá qua MXV.
Tuy nhiên hiện tại là không có loại hàng hóa nào của Việt Nam được giao dịch trên MXV hoặc có liên thông và giao nhận hàng hóa thật. “Năm 2022, tôi đăng ký làm thành viên kinh doanh của MXV. Nhưng khi vào thực sự thất vọng, vì hàng hoá không có thật”, ông Bình chia sẻ.
Sở giao dịch hàng hóa không có vai trò gì cả. Có thật là mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa theo đúng điều 63 của Luật thương mại và Nghị định 158 hay không, có giao dịch hàng hóa thật hay không?
Ông Bình cho rằng không có. “Đây chỉ là một game xanh đỏ, tất cả chỉ giao dịch chỉ số lên xuống. Không có hàng hóa thật dù chỉ là 1%, không có một mặt hàng nào của Việt Nam hiện nay đưa lên sàn giao dịch trong nước hay quốc tế. Việc giao dịch mua bán hàng hóa hiện nay như một trò chơi”, ông Bình nhấn mạnh.
Tại Điều 5 của NĐ 51 cũng đã nêu rất rõ về việc thương nhân mua bán hàng hóa qua MXV, nhưng các tài khoản mở hiện nay đa phần là đầu cơ của các cá nhân, các doanh nghiệp mở để phòng ngừa rủi ro hầu như không có. Đa phần các doanh nghiệp họ mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để phòng ngừa rủi ro mua bán hàng hóa thật với các nước theo Thông tư 40 của Ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa, hiện vẫn không có Trung tâm thanh toán bù trừ, không có Trung tâm giao dịch hàng hoá. Vì vậy, hoạt động của MXV không có một yếu tố nào có lợi cho thị trường mà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho an ninh quốc gia.
Vì vậy TS. Bình cho rằng bắt buộc phải có Trung tâm thanh toán bù trừ. Theo ông Bình: “Đã làm Nghị định thì phải có hàng thật dù chỉ là 0,1%. Phải có hệ thống kho bãi, logistics, phải kết nối với các doanh nghiệp lớn, đây là bản chất vấn đề của giao dịch hàng hoá”.
Một vấn đề khác, tại Điều 49 Chấp thuận tư cách thành viên của Sở GD hàng hóa ghi rõ: Sở giao dịch hàng hóa không được thu bất kỳ loại phí nào trừ phí bảo đảm tư cách thành viên và phí hàng năm. Nhưng hiện nay khi đăng ký thành viên, MXV thu 150.000.000 phí đăng ký thành viên và không hoàn lại. Điều này rất vô lý, đòi hỏi cần được làm rõ.
Hơn nữa Nghị định quy định, Trung tâm thanh toán bù trừ có trách nhiệm thực hiện đúng về biến động chênh lệch tỷ giá theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính ban hành, nếu giao dịch hàng hóa đó có liên thông với nước ngoài.
Song hiện tại tất cả các tài khoản của các nhà đầu cơ không được hưởng biến động chênh lệch tỷ giá này. Chênh lệch tỷ giá này hiện do MXV hưởng, trong khi số tiền lãi chênh lệch tỷ giá này rất lớn trong mỗi phiên giao dịch hiện nay…
Còn quy định về tiền ký quỹ đảm bảo tư cách thành viên, ông Bình thẳng thắn đề nghị đưa vào Nghị định rõ số tiền ký quỹ là bao nhiêu, để làm gì. Tiền ký quỹ phải được phong tỏa và phải được hưởng lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm ký quỹ.
Sở dĩ phải đưa vào Nghị định, theo ông Bình phân tích, là hiện tại theo khoản 7 Điều 3 NĐ 158 và khoản 14 điều 3 dự thảo Nghị định này có nêu: Ký quỹ bảo đảm tư cách thành viên là việc thành viên gửi một khoản tiền hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong tỏa theo chỉ định của Sở Giao dịch hàng hóa để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thành viên.
Nhưng hiện tại tiền ký quỹ của thành viên MXV không đưa vào phong tỏa tài khoản, mà nộp vào tài khoản thanh toán của Sở giao dịch hàng hóa, vậy có đúng pháp luật không, trong khi không được hưởng lãi suất, ít nhất là lãi suất tiền gửi 2%.
CẦN ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ THẢO
Để Nghị định sớm được ban hành, đưa thị trường giao dịch hàng hóa vận hành một cách tốt nhất, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng quá trình xây dựng Nghị định cần lưu ý đến những vấn đề như: Xây dựng sàn giao dịch hàng hóa để gia tăng được lợi thế lớn về các mặt hàng nông sản; gắn hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa với định hướng xây dựng các trung tâm tài chính tại một số thành phố lớn...
Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị định cần tiếp cận cả ở góc độ thông lệ quốc tế, cũng như từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, chủ thể tham gia Sở giao dịch hàng hóa để đánh giá tổng thể tác động, từ đó có những điều khoản, quy định mới, chất lượng cao nhằm giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho các chủ thể hoạt động.
Kết luận hội thảo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương là đơn vị đầu mối sẽ tiếp thu, tổng hợp toàn bộ nội dung ý kiến góp ý từ các bên. Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của Dự thảo Nghị định đối với các chủ thể liên quan, đảm bảo hoàn thiện hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo đúng định hướng xây dựng Nghị định đã đưa ra.
Đó là hoàn thiện các điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường để đảm bảo cách tổ chức vận hành thị trường đủ năng lực có thể phù hợp với quy mô hoạt động hiện nay.
Hoàn thiện, sửa đổi các quy định về tổ chức, hoạt động của các chủ thể doanh nghiệp, cá nhân tham gia trên thị trường mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa.
Đồng thời, hoàn thiện các nội dung về công tác quản lý nhà nước liên quan đến quản lý, giám sát cũng như liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật và vấn đề xử lý những sai phạm trong lĩnh vực hoạt động này.