08:46 11/03/2022

Giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu làm hụt thu ngân sách 29 nghìn tỷ đồng mỗi năm

Ánh Tuyết

Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ 1/4 đến hết năm 2022...

Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4, ngân sách nhà nước giảm thu gần 24.000 tỷ đồng.
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4, ngân sách nhà nước giảm thu gần 24.000 tỷ đồng.

Chiều ngày 10/3, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít so với đề xuất trước đó.

Với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; tăng 500 đồng so với trước đây. Dầu hỏa là 700 đồng/lít, tăng 200 đồng/lít so với đề xuất tại công văn số 2068 gửi các cơ quan đóng góp ý kiến.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

 

"Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước, bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng", Bộ Tài chính tính toán.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019, sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.

Từ đó, tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm, tương đương giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng/tháng.

Trước đó, do bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 160/CĐ-TTg về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI và lạm phát cơ bản trong tháng 2/2022, việc giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 4 đợt là một trong những nhân tố chính "đẩy" chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

 

Với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, các chuyên gia dự báo sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày mai, ngày 11/3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg tùy loại. Như vậy, sau vỏn vẹn 2 tháng đầu năm, xăng dầu có thể tăng giá tới 7 lần, đạt mốc 30.000 đồng/lít.