10:00 13/06/2023

Giao dịch nhà ở: Chiết khấu “khủng”, sức cầu vẫn yếu

Ban Mai

Sức cầu về nhà đất và căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong tháng 5/2023 giảm tới 98-99% so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ bán được 143 căn...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Báo cáo nhà ở mới nhất của DKRA Group cho biết, trong tháng 5/2023, TP.HCM và Bình Dương bán được 138 căn hộ trên thị trường sơ cấp (dự án mới, chủ đầu tư chào bán lần đầu), giảm 95% so với cùng kỳ.

CĂN HỘ: TIẾP TỤC ĐÀ CHIẾT KHẤU “KHỦNG”

Sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh 98% so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 35% nguồn cung mở bán mới trong tháng.

Phân khúc căn hộ hạng A tại khu Đông - TP. HCM tiếp tục dẫn dắt nguồn cung mới trong tháng, trong khi tại Bình Dương chủ yếu là hạng B và hạng C, tập trung tại TP. Thuận An và Thủ Dầu Một.

Để kích cầu người mua giữa bối cảnh thị trường khó khăn, các chính sách bán nhà được tung ra trong tháng 5/2023 gồm: chiết khấu 15-18% cho trường hợp thanh toán nhanh một lần, hỗ trợ lãi suất một phần (8% một năm) hoặc toàn bộ. Các chủ đầu tư cũng giãn tiến độ thanh toán 18-60 tháng, thậm chí người mua được nhận nhà khi mới đóng 30%.

Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, lãi vay, pháp lý... Báo cáo của DKRA cho biết, giá căn hộ sơ cấp ở TP.HCM đang dao động trong khoảng 50,8-94,9 triệu đồng/m2; còn tại Bình Dương là 32,8-49 triệu đồng/m2.

Thị trường căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong tháng 5/2023 - Nguồn: DKRA.
Thị trường căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong tháng 5/2023 - Nguồn: DKRA.

Thị trường sơ cấp luôn ghi nhận những số liệu tiêu cực ở cả tỷ lệ tiêu thụ và nguồn cung mới từ đầu năm đến nay.

Từ đầu năm đến nay, DKRA luôn ghi nhận sức cầu từng tháng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tiêu thụ theo tháng rơi vào khoảng 28-76% giỏ hàng mở bán.

Dự báo về nguồn cung mới tại TP.HCM từ nay đến cuối năm, các chuyên gia tại Savills cho rằng sẽ có thêm 9.000 căn hộ mới, trong đó hạng B chiếm 71%, hạng C có 23% thị phần và hạng A có 6% thị phần.

Đến năm 2026, khoảng 137.540 căn từ 186 dự án sẽ được mở bán. Dù một số dự án chưa được xếp hạng, các chủ đầu tư đang tỏ ra quan tâm đến các sản phẩm vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu người ở thực.

NHÀ LIỀN THỔ: SỨC CẦU CHỈ CÒN 1% 

Trong khi đó, thị trường sơ cấp nhà liền thổ xây sẵn trong các dự án 4 tuần qua chỉ bán được 5 căn tại TP.HCM và tỉnh phụ cận Đồng Nai, Bình Dương, giảm 99% so với cùng kỳ.

Sức cầu thị trường ở mức rất thấp, chỉ tương ứng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Sản phẩm tồn kho được mở bán lại trong  tháng 5/2023 không biến động so với lần mở bán trước đó, trong khi đó, giá thứ cấp tiếp tục đà giảm 5% - 10% so với thời điểm đầu năm, tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính.

Trong tháng 5/2023, cả TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ bán được 5 căn nhà liền thổ - Nguồn: DKRA.
Trong tháng 5/2023, cả TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ bán được 5 căn nhà liền thổ - Nguồn: DKRA.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Công ty R&D DKRA Group, trước những khó khăn của nền kinh tế, dự kiến thị trường nhà ở khó đạt được những tín hiệu tích cực trong ngắn hạn. Sức mua yếu, chỉ một số ít dự án nhà ở hội đủ các tiêu chuẩn: chủ đầu tư uy tín, pháp lý hoàn chỉnh, tiến độ xây dựng nhanh, vị trí tọa lạc tại nơi có dân cư sầm uất mới được người mua tin tưởng xuống tiền. Lượng giao dịch thành công chỉ ghi nhận cục bộ tại một số ít dự án, chưa đủ sức thay đổi toàn cảnh thị trường.

Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018. Đặc biệt, trong quý 1/2023, thị trường hầu như không đón nhận nguồn cung mới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch (VARs), cho biết thanh khoản thị trường sụt giảm từ năm 2022 kéo dài sang những tháng đầu năm 2023. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thịt rường năm 2022 đạt 17% so với lượng giao dịch của năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ quý 1/2023 đạt khoảng 11%.

VARs cho rằng tiêu thụ nhà ở sụt giảm do một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế chung. Mặt khác, lãi vay mua nhà còn cao nhưng không dễ tiếp cận tín dụng, lãi suất huy động 12 tháng vẫn ở mức hấp dẫn khiến lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng chảy vào kênh ngân hàng, không lưu thông trong nền kinh tế và không chảy vào bất động sản. Bên cạnh đó, nguồn cung không đa dạng, phần lớn đến từ các dự án cũ, cộng thêm tâm lý lo ngại rủi ro thị trường khó khăn kéo dài càng khiến lượng tiêu thụ đi xuống.