Giao dịch nhầm tại Chứng khoán Bảo Việt
Do nhập nhầm số tài khoản, Công ty Chứng khoán Bảo Việt “vấp” phải một sự cố giao dịch gây chú ý trên thị trường trong những ngày qua
Do nhập nhầm số tài khoản, Công ty Chứng khoán Bảo Việt “vấp” phải một sự cố giao dịch gây chú ý trên thị trường trong những ngày qua.
Ngày 2/2, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) có thông báo về sự nhầm lẫn trong giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt. Đáng chú ý là sự cố này xẩy ra hai phiên trước đó và đã có tác động ít nhiều đến thị trường.
Tại phiên giao dịch 306 ngày 31/1, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã nhập nhầm số tài khoản giao dịch của một khách hàng đặt mua 160.500 cổ phần của chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt (mã chứng khoán là BVS); trong đó số lượng đã khớp 53.000 cổ phần theo phương thức báo giá và 100.500 cổ phần theo phương thức thỏa thuận.
Giao dịch này khiến nhiều nhà đầu tư khác đặt mua BVS nhưng không thành và đặc biệt là trên thị trường xuất hiện tin đồn nhà đầu tư nước ngoài đang gom mua BVS. Đây cũng là một tác động khiến BVS tăng giá mạnh sau đó.
Đến ngày 2/2, khi có thông báo của HASTC, nhiều nhà đầu tư mới biết cụ thể rằng tin đồn “gom mua” nói trên chỉ xuất phát từ một lỗi giao dịch của Chứng khoán Bảo Việt.
Thông báo của HASTC cho biết sự cố trên là do Chứng khoán Bảo Việt “nhập nhầm số tài khoản”. Đáng chú ý là lỗi giao dịch này không được thông báo ngay mà đến phiên hôm sau HASTC mới nhận được hồ sơ xin sửa lỗi.
Sau khi kiểm tra trên hệ thống và đối chiếu với lệnh gốc, HASTC đã đồng ý cho phép thực hiện sửa lỗi giao dịch theo đúng quy định hiện hành, đồng thời có công văn yêu cầu Chứng khoán Bảo Việt phải bán toàn bộ số cổ phần trên theo phương thức giao dịch thỏa thuận ngay trong phiên giao dịch ngày 6/2/2007.
Về sự chậm trễ trong thông tin, dẫn đến sự hiểu lầm của một số nhà đầu tư về xu hướng “gom mua” nói trên, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, cho biết là sự cố đó nội trong ngày 31/1 thì chỉ có Chứng khoán Bảo Việt biết; đến sáng 1/2, báo cáo cụ thể mới về HASTC và Ủy ban Chứng khoán. HASTC nhận chỉ đạo của Ủy ban để xử lý và thông báo tới công chúng.
Bà Liên cũng khẳng định những sự cố như thế này phải được xử lý nhanh, đúng quy định và thông tin nhanh chóng đến thị trường, kể cả công khai trên báo chí.
Về tin đồn trước khi có thông báo chính thức từ cơ quan quản lý, bà Liên cho rằng “tin đồn trên thị trường rất nhiều, trước hết nhà đầu tư phải biết chọn lọc”.
“Theo nhận định ban đầu của chúng tôi, đây là sự nhầm lẫn về tài khoản giao dịch của một nhân viên môi giới của Bảo Việt trong Tp.HCM. Sau này, khi tìm hiểu cụ thể hơn, nếu có bất kỳ hành vi nào liên quan đến cố ý hoặc thao túng thị trường thì chúng tôi sẽ xử lý”, bà Liên nói.
Về phía Bảo Việt, trao đổi với báo giới chiều 2/2, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Chứng khoán Bảo Việt, giải thích rằng do số tài khoản sát nhau, hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua khối lượng lớn nên nhập lệnh dễ xảy ra nhầm lẫn.
Đáng chú ý là, theo ông Vinh, khi xẩy ra sự cố, Chứng khoán Bảo Việt không được phép công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng mà phải công bố qua HASTC, theo quy định.
Với cách công bố thông tin nói trên, cơ quan quản lý nên xem xét lại: có thể giao quyền chủ động tự công bố cho công ty; hoặc rút ngắn tối đa độ trễ thông tin khi ra công chúng (như trường hợp này là mất hai ngày) để tránh những tin đồn có thể xuất hiện trên thị trường.