Gỡ khó cho các trường mầm non và giáo viên ngoài công lập để tránh gián đoạn sau dịch
Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập...
Dịch bệnh diễn biến phức tạp suốt từ 30/4 khiến học sinh mầm non ở nhiều tỉnh, thành phố đã tạm dừng đến trường. Chính vì vậy, các trường mầm non ngoài công lập cũng đóng cửa và kéo theo là giáo viên thất nghiệp, không có thu nhập, phải chuyển nghề.
MỘT TỈ LỆ NHỎ GIÁO VIÊN MẦM NON TƯ THỤC ĐƯỢC HỖ TRỢ
Gần 20 năm gắn bó với hoạt động chăm sóc trẻ, chưa bao giờ cô Nguyễn Thị Thủy, quản lý kiêm giáo viên Trường mầm non tư thục Chim Én ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lại nghĩ có ngày phải nghỉ việc, không thu nhập suốt một thời gian dài. Khác với giáo viên công lập, giáo viên ngoài công lập không được hưởng nhiều sự hỗ trợ. Theo cô Thủy, “Nghỉ dạy đồng nghĩa với nguồn thu bị cắt đứt trong khi vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng thì khó cầm cự nổi” nên có người bạn giới thiệu làm tư vấn bảo hiểm, cô Thủy đã đồng ý trả mặt bằng để thử sức ở một lĩnh vực mới.
Cô chia sẻ: “Dù công việc không đúng chuyên môn được đào tạo nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên đành gác lại với hy vọng có ngày được quay lại công việc giảng dạy”.
Cùng hoàn cảnh, cô Lê Thị Ánh Tuyết, giáo viên mầm non Trường tư thục Hoa Hướng Dương quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thì từ khi nghỉ dịch lại chuyển sang làm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống. Cô Ánh Tuyết chia sẻ: “Là một người mẹ đơn thân lại đang nuôi hai con nhỏ nên cuộc sống không cho phép mình dừng lại”. Một ngày của cô vừa bán hàng online vừa tranh thủ nhận giặt là quần áo tại nhà. Thậm chí có những lúc được gọi đi nấu cỗ, cô cũng nhận lời. Tuy vất vả nhưng cô cảm thấy mừng vì còn có thu nhập để nuôi con. Cô dự định sẽ chuyển hẳn sang lĩnh vực giặt là để ổn định cuộc sống.
Phức tạp hơn các trường hợp trên khi cô giáo Hoàng Trọng Thu lại làm chủ 2 cơ sở giáo dục mầm non tư thục với hơn 20 giáo viên tại quận Ba Đình, Hà Nội. Giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều cô đã xin nghỉ việc, “Dù chia tay trong nước mắt nhưng cũng không có điều kiện để giữ các cô lại. Hơn nữa với tình hình thế này khả năng sẽ đóng cửa một cơ sở”, cô Thu chia sẻ.
Có thể nói sự tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành giáo dục mà đặc biệt đối với cấp học giáo dục mầm non là thực tế ngay trước mắt. Qua kết quả rà soát, đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng, đa phần là 6 tháng trở lên và 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Ngoài ra đến thời điểm hiện nay, các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục mới chỉ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh theo chính sách chung của Chính phủ. Việc áp dụng chính sách theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, mới chỉ có một tỉ lệ nhỏ khoảng 25,8% giáo viên mầm non làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được hưởng hỗ trợ khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất có nhiều điều kiện ràng buộc, gây khó khăn khi tiếp cận.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHIỀU CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, nhất là giáo dục mầm non tư thục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên mầm non, tiểu học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định mà phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch.
Ngoài ra cũng sẽ đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính sách hỗ trợ số hóa; chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở giáo dục này.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ có chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho giáo viên mầm non nói chung, giáo viên mầm non các trường ngoài công lập nói riêng để ổn định cuộc sống và động viên tinh thần giáo viên khác quay trở lại trường tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và gắn bó lâu dài với giáo dục mầm non.
Cũng vấn đề trên, theo thông tin từ Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cho biết: Các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động. Nhiều trường đã làm mọi cách để giữ chân giáo viên như: tặng gạo, hỗ trợ một số tiền nhỏ hàng tháng theo khả năng của trường. Hiện Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, Phòng Giáo dục và Ðào tạo cũng đã có chính sách thăm hỏi, hỗ trợ giáo viên đặc biệt khó khăn. Mong rằng dịch bệnh sớm ổn định để trẻ được tới trường và các giáo viên cùng chia sẻ, đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Có thể thấy rằng, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của dịch Covid-19. Không giống các cấp học khác, đặc thù cấp học mầm non không thể tổ chức học trực tuyến vì vậy giáo viên mầm non ngoài công lập hầu như không có bất cứ khoản thu nhập nào trong thời gian nghỉ dịch.
Hiện nay, cả nước hiện có 155.080 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho hơn 1.241.000 trẻ em mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Thời gian tiếp theo nếu giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy sẽ gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thời điểm trẻ quay trở lại trường học.