Gọi tên những doanh nghiệp lỗ "chổng vó" chưa từng có lịch sử chỉ vì Covid-19
Đã có nhiều doanh nghiệp lỗ "chổng vó" trong quý 3 năm nay và lọt top những doanh nghiệp có tốc độ sụt giảm lợi nhuận cao nhất trên thị trường... chỉ vì Covid-19.
Bức tranh tài chính quý 3/2021 đã hiển hiện rõ ràng hơn trong những ngày gần đây. Theo thống kê mới nhất của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), đã có khoảng 30% các doanh nghiệp trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 với tổng lợi nhuận suy giảm khoảng 9,2% so với quý 2 trước đó, nhưng lại tăng đến khoảng 37% so với cả cùng kỳ năm ngoái.
Quan sát của VnEconomy cho thấy, trong đó đã có nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng gấp vài lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng có những doanh nghiệp lỗ "chổng vó" trong quý 3/2021 và lọt top những doanh nghiệp có tốc độ sụt giảm lợi nhuận cao nhất trên thị trường.
Đơn cử, tại Công ty CP NGK Chương Dương (SCD), do áp dụng các biện pháp phong toả, đóng cửa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam với khoảng thời gian kéo dài tại Tp.HCM và các tỉnh thành phía Nam nên đã tác động rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù công ty đã tối ưu hoá chi phí.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2021 của SCD ghi nhận 4,2 tỷ đồng, giảm 87,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm không tương xứng dẫn đến lỗ gộp 6,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay trong kỳ ghi nhận 3,8 tỷ đồng trong khi năm ngoái không có khoản này, chi phí bán hàng vẫn ở mức 3,8 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 47% lên 4,1 tỷ đồng, khoản thu nhập khác lại giảm mạnh 1.724% dẫn đến lợi nhuận sau thuế lỗ 18,3 tỷ đồng, trong khi năm ngoái ghi nhận lãi 1,4 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục chưa từng có trong lịch sử của SCD kể từ ngày niêm yết. Luỹ kế 9 tháng năm nay, SCD lỗ 19,7 tỷ đồng.
Điều này diễn ra tương tự tại Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (DSP). Quý 3/2021, DSP lỗ sau thuế 24,3 tỷ đồng, tăng mạnh 18 lần so với số lỗ của cùng kỳ năm ngoái (lỗ 1,3 tỷ đồng). Ban lãnh đạo doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lỗ là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công ty thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ, công ty phải dừng hoạt động.
Doanh thu quý 3/2021 giảm so với quý 3/2020 là 31,4 tỷ đồng. Trong khi tiền thuê đất lại tăng mạnh gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận 9 tháng năm 2021 DSP ghi nhận lỗ 78 tỷ đồng, giảm lỗ tới 67 tỷ đồng do 9 tháng năm 2020 do công ty hạch toán bổ sung tiền thuê đất truy thu từ 17/5/2016 đến 31/12/2019 với số tiền 104,1 tỷ đồng. Còn nếu loại trừ khoản tiền thuê đất truy thu 104,1 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2020 là 41 tỷ đồng, lỗ thêm 36 tỷ đồng so với 9 tháng năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng phải báo lỗ lần đầu tiên kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE (năm 2009). Trong quý 3/2021, doanh thu thuần của PNJ giảm 78% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 877 tỷ đồng do PNJ tạm đóng phần lớn các cửa hàng kinh doanh trong 3 tháng 07, 08, 09/2021 để thực hiện giãn cách xã hội, phòng ngừa dịch dệnh Covid-19 theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, tại khu vực TP.HCM, PNJ đã chấp hành cách ly toàn xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7/2021.
Doanh thu giảm mạnh nên không đủ bù đắp các chi phí lãi vay 28 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp khiến PNJ báo lỗ ròng gần 160 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Công ty có lãi ròng hơn 202 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận hơn 12,514 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng đạt gần 576 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ chủ yếu do giá vốn, chi phí bán hàng và quản lý đều tăng.
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp ngành thép báo lãi vượt trội trong quý 3/2021 thì riêng một mình Công ty CP Thép Việt Ý (VIS) báo lỗ. Doanh thu quý 3/2021 của VIS tăng nhẹ so với cùng kỳ, ghi nhận 1.392 tỷ đồng, tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn cả doanh thu dẫn đến lỗ gộp 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp 47 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh trong khi chi phí tài chính tăng cao, chi phí quản lý doanh nghiệp không đổi, do đó, lỗ thuần của VIS 92 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, VIS lỗ sau thuế 92,3 tỷ đồng, trong khi năm ngoái có lãi 26 tỷ đồng.
Do quý 3 lỗ nặng dẫn đến luỹ kế 9 tháng năm 2021, VIS lỗ 18 tỷ đồng trong khi trước đó 6 tháng đầu năm kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Đại diện ngành thủy sản, Công ty CP Nam Việt ( ANV) mới đây cũng công bố tình hình kinh doanh quý 3 với kết quả lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 40 tỷ đồng. ANV cho biết, nguyên nhân doanh thu giảm đến từ việc giảm số lượng công nhân khi thực hiện phương án 3 tại chỗ dẫn đến sản lượng bán giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng mạnh 73%, lên gần 66 tỷ đồng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ 3 tại chỗ phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test Covid-19 và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại Công ty.
Khép lại 9 tháng đầu năm, ANV ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ, xuống còn 2,436 tỷ đồng và lãi ròng giảm 36%, ghi nhận hơn 74 tỷ đồng. Qua đó, Công ty chỉ thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận 2021.
Do tình hình bi đát, ANV phải hạ chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu giảm 13% và lợi nhuận giảm 44% so với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm, xuống còn 3,900 tỷ đồng và 250 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, chi phí cước tàu chưa giảm và không ổn định, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn ở mức cao trong khi giá bán đang ở mức thấp.
Lỗ nặng nhất không thể không nhắc đến Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC). Sau nhiều quý báo lãi sau thuế tăng trưởng mạnh, đến quý 3/2021, Đô thị Kinh Bắc chính thức báo lỗ 59 tỷ đồng, trong đó, khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 68 tỷ đồng, lỗ tăng gấp 7 lần so với con số lỗ của quý 3/2020. Nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí tài chính tăng vọt từ 75 tỷ đồng năm ngoái lên đến 178 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi vay chiếm 154 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm hơn 83,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này cũng âm hơn 111 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, KBC ghi nhận gần 3.077 tỷ đồng doanh thu và 733 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng gấp 3,3 lần và 7 lần so với cùng kỳ. Dù vậy, với kết quả đạt được công ty mới thực hiện được gần 37% mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm.