12:03 26/10/2021

Cổ phiếu nhỏ bắt đầu “rơi rụng”, thanh khoản giảm mạnh

Kim Phong

Giao dịch chuyển sang trạng thái giằng co trong phiên sáng nay nhưng cổ phiếu đầu cơ nhỏ bắt đầu hạ nhiệt dù kết quả kinh doanh một số mã khá tốt. Dòng tiền tụt giảm là một trong những nguyên nhân quan trọng...

Chỉ số VN30-Index đang trượt sâu hơn vào xu hướng giảm ngắn hạn.
Chỉ số VN30-Index đang trượt sâu hơn vào xu hướng giảm ngắn hạn.

Giao dịch chuyển sang trạng thái giằng co trong phiên sáng nay nhưng cổ phiếu đầu cơ nhỏ bắt đầu hạ nhiệt dù kết quả kinh doanh một số mã khá tốt. Dòng tiền tụt giảm là một trong những nguyên nhân quan trọng...

Độ rộng sàn HoSE lúc kết phiên kém tích cực đáng kể, khi chỉ còn 143 mã tăng/276 mã giảm. HNX cũng không còn “tưng bừng” như hôm qua, chỉ có 85 mã tăng/132 mã giảm. Dù vậy VNSmallcap vẫn là chỉ số duy nhất sàn HoSE tăng điểm, chốt trên tham chiếu 0,03%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có độ rộng không tốt: Số mã giảm nhiều gấp rưỡi số mã tăng. Thậm chí trên cả sàn HoSE còn chưa tới 70 mã tăng trên 1%.

Tín hiệu hạ nhiệt ở các cổ phiếu đầu cơ là khá rõ, cả rổ chỉ còn 4 mã kịch trần trong tổng số 6 mã trên HoSE: TLD, HQC, VOS, KHP, VRC thanh khoản khá tốt và giá đang được chặn mua trần.

Ngược lại phía giảm chứng kiến hơn 100 mã đang giảm trên 1%. QCG, TNT, NBB, TDC, VIP, KSB, FTM, TTA, ASM, OCB, TTB... bị bán khá nhiều và giá giảm trên 2%. Hiện tượng phân hóa ngay cả trong những nhóm cổ phiếu mạnh nhất là điều đáng quan tâm, vì đây là tín hiệu cho thấy sự thận trọng bắt đầu xuất hiện.

Cổ phiếu bảo hiểm vẫn còn BMI tăng 3,82%, BLI tăng 4,81%, AIC tăng 3,4% nhưng BVH chỉ còn tăng 0,47%, PVI  giảm 0,19%, BIC giảm 1,31%, VRN giảm 1,63%....

Đáng chú ý là các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang giảm thanh khoản khá nhiều. Rổ Smallcap hiện mới khớp lệnh được 2.405 tỷ đồng, chỉ tương đương khoảng 45% so với cả ngày hôm qua. Thanh khoản có thể tiếp tục yếu trong phiên chiều và hôm nay sẽ là ngày sụt giảm giao dịch đáng kể ở các mã đầu cơ nhỏ.

Tình trạng giảm dòng tiền cũng xuất hiện ở toàn thị trường, trên cả HoSE lẫn HNX. Rổ VN30 đang giảm tới hơn 27% giá trị, chỉ đạt 4.134 tỷ đồng. Tính chung khớp lệnh hai sàn, giá trị giảm 21% so với sáng hôm qua.

Dòng tiền sáng nay giảm và cổ phiếu cũng suy yếu cho thấy sau phiên đột biến giao dịch lớn hôm qua, sự thận trọng đã quay lại. Thực tế thị trường đã cho thấy tín hiệu xấu ở nhóm blue-chips VN30 từ lâu, nhưng sự sôi động trong các mã đầu cơ phần nào cân bằng lại tâm lý. Hôm nay các nhóm cổ phiếu nhìn chung đều giảm, chỉ còn sót lại các mã được đầu cơ mạnh riêng lẻ.

Nhóm blue-chips lớn nhất của VN-Index vẫn đang có sự giằng co, trong khi các trụ của VN30-Index thì yếu hơn rõ rệt.
Nhóm blue-chips lớn nhất của VN-Index vẫn đang có sự giằng co, trong khi các trụ của VN30-Index thì yếu hơn rõ rệt.

Rổ VN30 kết phiên sáng với 11 mã tăng/16 mã giảm nhưng tiếp tục không có trụ. GAS tăng 1,16% và PLX tăng 1,11% là tốt nhất nhưng không đủ để duy trì điểm số. VN-Index phần lớn thời gian sáng nay nằm trong vùng đỏ, còn VN30 thậm chí chỉ có vài phút vượt được tham chiếu. Kết phiên sáng VN-Index giảm 2,46 điểm tương đương 0,18%, VN30-Index giảm 0,38%.

Về mặt cường độ, nhóm giảm trong Vn30 chỉ có 4 mã rơi hơn 1% là PDR, GVR, VPB và VRE. Tuy nhiên khả năng cầm cự của các cổ phiếu trong rổ vẫn không rõ ràng, do thanh khoản đang tiếp tục suy yếu. Thực tế cả VN-Index lẫn VN30-Index hồi vượt tham chiếu lúc 10h20 hoàn toàn nhờ yếu tố kéo trụ đơn lẻ tại HPG, CTG, VHM. Các mã này sau đó đều suy yếu trở lại và thanh khoản giảm rất nhiều. Thiếu lực cầu là nguyên nhân khiến biến động giá kém chắc chắn.

Kể từ phiên bùng nổ vượt đỉnh tháng 8/2021 hôm 11/10 vừa qua, VN-Index đã trải qua 12 phiên đi ngang và chỉ điều chỉnh giảm 0,8%. Tuy nhiên VN30 trong cùng thời gian giảm tới 2,57%. Các blue-chips suy giảm như vậy vẫn chưa tác động rõ rệt lên VN-Index và nếu nhìn vào chỉ số này thì thị trường vẫn đang trong giai đoạn dao động lình xình. Điểm bất lợi chính là giai đoạn lình xình này dồn dập các thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh. Nhìn từ góc độ này thì thị trường thực tế đang suy yếu.