06:00 09/07/2022

GRDP tăng 2 con số, Vĩnh Phúc lọt Top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước

Anh Nhi

Với sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh, GRDP 6 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và nằm trong Top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước…

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần Bình Xuyên.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần Bình Xuyên.

Báo cáo tình hình kinh tế nửa đầu năm 2022 của Vĩnh Phúc cho thấy hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt trên 50% mục tiêu phát triển kinh tế mà Vĩnh Phúc đề ra trước đó.

TĂNG TRƯỞNG GRDP THUỘC NHÓM CAO NHẤT CẢ NƯỚC

Cụ thể, tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020.

Đây cũng là mức tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,58%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,81% (do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động từ các đợt rét đậm, rét hại cũng như mưa lớn trong các tháng đầu năm); và khu vực dịch vụ tăng 6,32% (với sự phục hồi của ngành thương mại, vận tải và du lịch trong quý 2/2022).

Với sự khởi sắc của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách 6 tháng ước đạt 20.650 tỷ đồng (65% dự toán), tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ đồng (65% dự toán), tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, mặc dù việc thực hiện giảm thuế VAT, giảm 50% phí đăng ký trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước… có ảnh hưởng tới nguồn thu nhưng chính sách này đã thúc đẩy doanh số tiêu thụ hàng hóa của một số mặt hàng chủ lực, thúc đẩy kinh doanh trên địa bàn. Nhờ đó, số thu ngân sách ở cả 3 khu vực kinh tế (vốn đầu tư nước ngoài, ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước) đều tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là khu vực nước ngoài có mức tăng khá.

Trong khi đó, quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Ngoài ra, tỉnh đã bổ sung kinh phí và ban hành các hướng dẫn chi trả cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 7.024 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021.

GRDP tăng 2 con số, Vĩnh Phúc lọt Top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước - Ảnh 1

Về đầu tư xây dựng, Vĩnh Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 168 dự án. Toàn tỉnh giải phóng mặt bằng đạt 449,4 ha, bằng 40,5% kế hoạch năm, trong đó có 1 số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn như Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc (giải phóng 80,5/83,8 ha); Dự án Khu công nghiệp Sơn lôi (92/180 ha); Dự án Khu công nghiệp Bá Thiện (93,6/103,8 ha), tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch.

Một số dự án lớn, trọng điểm đã hoặc đang chuẩn bị hoàn thành như như Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán huyện Lập Thạch) đến Trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi KCN Sông Lô I; Đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; Đường vành đai 4; Bệnh viên Sản Nhi tỉnh; Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh việ đa khoa tỉnh; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; Cầu Đầm Vạc…

Theo đó, tính đến 30/6/2022, toàn tỉnh giải ngân khoảng 2.380 tỷ đồng, đạt khoảng 24,4% so với tổng kế hoạch (bao gồm vốn kéo dài và vốn kế hoạch năm 2022) và bằng 34,3% so với kế hoạch Trung ương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 22% kế hoạch) và cao hơn trung bình trung của cả nước (ước đạt 27,86% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Cũng trong thời gian này, Vĩnh Phúc đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 10 dự án FDI (225,47 triệu USD) và 7 dự án DDI (7.743,46 tỷ đồng).

Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD đã khởi công, đi vào sản xuất như Dự án nhà máy Key Technology Hà Nội sản xuất khung thép cho máy xúc thủy lực; Dự án nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam sản xuất các sản phẩm phụ tùng ô tô, xe gắn máy; và Dự án nhà máy Sumiriko Việt Nam sản xuất ống dẫn khí, ống dẫn nước và ống dẫn nhiên liệu cho xe ô tô.

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Mặc dù kinh tế 6 tháng đạt nhiều kết quả khả quan nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn chưa được như kỳ vọng.

“Vì vậy, những tháng cuối năm, Vĩnh Phúc sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tín dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh như giảm lãi suất cho vay, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo tinh thần Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

GRDP tăng 2 con số, Vĩnh Phúc lọt Top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước - Ảnh 2

Đặc biệt, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, các huyện/thành phố khẩn trương phân khai chi tiết nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, thường xuyên bám sát để giải quyết, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, kịp thời điều chỉnh, điều hòa nguồn vốn, phấn đấu giải ngân cao nhất nguồn vốn đã được giao.

Về xúc tiến đầu tư năm 2022, Vĩnh Phúc chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh; và tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư một số nước như: Đức, Pháp, Ý.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

GRDP tăng 2 con số, Vĩnh Phúc lọt Top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước - Ảnh 3

Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng tập trung vào một số giải pháp khác nhằm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành kinh tế như đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp như Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II… ; hoàn thiện trình Tỉnh ủy thông qua Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030; Quy chế quản lý cụm công nghiệp…

Tỉnh cũng xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; tổ chức thực hiện Chương trình OCOP năm 2022; và hoàn thiện Đề án phát triển thương mại điện tử đến năm 2030 cũng như triển khai các kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2022.