Hải Phòng sửa đổi nghị quyết xây dựng nông thôn mới sau sắp xếp
Do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã, số xã có sự thay đổi nên cần sửa đổi bổ sung nghị quyết chương trình xây dựng nông thôn mới…

UBND TP. Hải Phòng đề xuất HĐND thành phố xem xét thông qua nghị quyết sửa đổi bổ sung chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 do sau khi thực hiện sắp xếp, tổng số 137 xã của Hải Phòng chuyển thành 77 xã 29 phường, hơn nữa, có sự điều chỉnh 3 xã từ huyện An Dương trước đây thành 3 phường Đại Bản, An Hưng, An Hồng của quận Hồng Bàng.
TỪNG ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU, GIÃN TIẾN ĐỘ
Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 được HĐND TP. Hải Phòng thông qua tại nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 18/7/2023. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tại cấp xã có 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (trừ 4 xã Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Văn Phong thuộc huyện Cát Hải không triển khai vì nằm trong quy hoạch khu công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng biển).
Tại cấp huyện có 4 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tiếp tục đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Cát Hải giữ vững kết quả đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu cảu Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Huyện Bạch Long Vĩ đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù.
Nguồn lực thực hiện chủ yếu là ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn ngân sách thành phố bố trí trực tiếp giai đoạn 2021-2025 là hơn 15.475,6 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư công 15.307,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 168 tỷ đồng).
Theo UBND TP. Hải Phòng, giai đoạn 2021-2023, thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 92 xã, năm 2024 tiếp tục thực hiện tại 45 xã còn lại, đảm bảo năm 2025 có 100% xã cơ bản đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến tháng 10/2024, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND về xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu chương trình được sửa thành đến năm 2025, thành phố có 100% số xã (137 xã) cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành phố có 4 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Bạch Long Vĩ đạt tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí đặc thù. Tổng vốn ngân sách thành phố bố trí là 15.663,337 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 13.284,485 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 2.378,852 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn 137 xã, huyện nông thôn mới nâng cao tại 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ và huyện nông thôn mới đặc thù tại Bạch Long Vĩ.
Hết năm 2024, thành phố Hải Phòng đã có 104 xã (trong tổng số 137 xã) đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu (75,91%), đồng thời, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ), huyện đạt nông thôn mới cho huyện Bạch Long Vĩ.
SỬA ĐỔI DO SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025, từ tháng 1/2025, phạm vi triển khai chương trình nông thôn mới có sự điều chỉnh.
Cụ thể, số xã thực hiện xây dựng nông thôn mới từ 137 xã chuyển thành 77 xã và 29 phường, nhiều xã phường có sự điều chỉnh tên gọi sau sắp xếp và 3 xã của huyện An Dương chuyển thành 3 phường Đại Bản, An Hưng, An Hồng của quận Hồng Bàng. Ngoài ra, huyện An Dương chuyển đổi thành quận, huyện Thuỷ Nguyên chuyển thành thành phố trực thuộc thành phố.
Hơn nữa, theo UBND TP. Hải Phòng, năm 2025 là năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong điều hành ngân sách, cần bổ sung quy định để chủ động điều chỉnh, cân đối nguồn vốn đầu tư công bằng các chỉ đạo hành chính (tránh phải điều chỉnh nghị quyết trong trường hợp có thể cân đối bổ sung nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025).
Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo thống nhất, phù hợp quy định của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương, trong Tờ trình của mình, UBND TP. Hải Phòng cho rằng việc HĐND thành phố ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới trước đó là cần thiết.
Theo đó, UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố sửa đổi phạm vi chương trình thành xây dựng nông thôn mới cấp xã tại 106 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó là xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao (các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ, Cát Hải, Bạch Long Vĩ và thành phố Thuỷ Nguyên), thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về mục tiêu, sửa đổi thành “Cấp xã: 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Đối với nội dung về vốn chương trình, UBND thành phố đề nghị sửa đổi, bổ sung thành “tổng vốn ngân sách thành phố bố trí là 15.663,337 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 13.284,485 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 2.378,852 tỷ đồng. Trong trường hợp phát sinh các nguồn tăng thu và các nguồn vốn hợp pháp khác có thể cân đối bố trí tăng vốn giai đoạn 2021-2025, HĐND thành phố quyết định việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2025”.
Ngoài ra, UBND thành phố còn đề xuất HĐND thành phố bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp là các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp có một phần hoặc toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các huyện, các xã đang hưởng chế độ, chính sách tiếp tục được triển khai như trước thời điểm sắp xếp.