Ninh Bình thu hút hơn 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập đã thu hút tổng cộng khoảng 57.650 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó có 794 triệu USD, tương đương gần 19.850 tỷ đồng...

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, kết quả thu hút đầu tư vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2025 là thành quả của quá trình cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, lấy chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính làm nền tảng. Trong đó, những mô hình đổi mới như “Luồng xanh 16 giờ” và “Luồng xanh 50%” đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ trong các lĩnh vực quan trọng như đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường — vốn là các “nút thắt” lâu nay cản trở dòng vốn đổ về địa phương.
Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, toàn tỉnh Ninh Bình (sau sáp nhập địa giới hành chính) đã thu hút 148 dự án đầu tư mới. Trong đó, tỉnh Ninh Bình (cũ) cấp mới 19 dự án với tổng vốn trên 9.000 tỷ đồng, bao gồm 3 dự án FDI có tổng vốn hơn 20 triệu USD. Tỉnh Hà Nam (cũ) thu hút 93 dự án với tổng vốn 650 triệu USD và 13.300 tỷ đồng. Tỉnh Nam Định (cũ) có 36 dự án, tổng vốn đầu tư đạt hơn 15.500 tỷ đồng và 124 triệu USD.
Tổng cộng, khu vực này đã thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cùng gần 800 triệu USD vốn FDI chỉ trong vòng 6 tháng — một con số cho thấy sức hút và niềm tin mạnh mẽ từ cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đó, khu vực cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của lực lượng doanh nghiệp trong nước. Tính đến cuối tháng 6, toàn vùng đã có 1.376 doanh nghiệp mới được thành lập, với tổng vốn đăng ký vượt 18.200 tỷ đồng. Những con số này minh chứng rõ ràng cho một môi trường đầu tư đang dần “nóng lên” bởi các yếu tố minh bạch, thông thoáng và hiệu quả trong điều hành.
Sự kiện sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định thành một đơn vị hành chính mới đã giúp Ninh Bình mở rộng quy mô, trở thành một trong những địa phương lớn nhất cả nước với hơn 4,4 triệu dân và gần 4.000 km2 diện tích. Từ một địa phương có quy mô khiêm tốn, Ninh Bình giờ đây không chỉ có “lực” về dân số, mà còn có “thế” từ hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng đang ngày một hoàn chỉnh.
Với vị trí địa lý chiến lược nằm giữa Thủ đô Hà Nội và vùng Bắc Trung Bộ, Ninh Bình được tiếp cận nhanh chóng với các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa thông qua hệ thống cao tốc Bắc – Nam, đường sắt quốc gia, tuyến sông Hồng và hành lang ven biển.
Không gian phát triển của Ninh Bình hiện không chỉ giới hạn trong ranh giới hành chính, mà đã mở rộng ra toàn vùng liên kết. Đó cũng là cơ sở để tỉnh này đẩy nhanh quy hoạch phát triển không gian vùng mang tính kết nối, đồng bộ và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, nguồn lực và thị trường.