20:27 30/12/2021

Hỗ trợ pháp lý đúng, trúng nhu cầu doanh nghiệp, tận dụng ưu thế công nghệ 4.0

Anh Tú

Để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần hỗ trợ đúng và trúng nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức hỗ trợ, tận dụng tối đa tính ưu việt của công nghệ 4.0...

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành phát biểu tại hội nghị.

Ngày 30/12, Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021 “Công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022”.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành nhấn mạnh, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2021 có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, nổi bật là các hoạt động xây dựng và phát sóng Chương trình hỗ trợ pháp lý góp phần phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid–19, tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác đối thoại trong Chương trình kinh doanh và pháp luật.

 

"Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau, tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước".

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế.

Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất bản tài liệu chuyên sâu hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến pháp lý…

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động còn chưa triển khai theo đúng kế hoạch nhưng các hoạt động về hoàn thiện thể chế, các hoạt động nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời triển khai.

Trong đó, đối với Bộ, ngành, Trung ương đều ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Các địa phương cơ bản ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý trong năm 2021.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên triển khi các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các hoạt động được triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia.

Việc triển khai các hoạt động của chương trình cơ bản bám sát các mục tiêu, nội dung, tiến độ, kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Chương trình tiếp tục phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động, tiết kiệm kinh phí trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chương trình cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, công tác truyền thông, tuyên truyền các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khuôn khổ chương trình còn gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư nguồn lực và kinh phí hợp lý. 

Một số hoạt động chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức. Cần có phân loại, phân nhóm các loại hình doanh nghiệp để có các chuyên đề, chương trình hỗ trợ phù hợp.

Các ý kiến cũng cho rằng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ lớn hơn do đại dịch Covid-19 “đẩy” nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, ông Nguyễn Thanh Tú cho biết sẽ lồng ghép các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các Bộ, ngành địa phương ban hành để tăng cường hiệu quả các hoạt động của Chương trình. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng.

Ngoài ra, việc tổ chức các tọa đàm, hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới đúng và trúng với nhu cầu của doanh nghiệp, có trọng tâm, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý.

Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý thời gian tới, ông Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Trẻ Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Alo chỉ rõ, cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung mang tính thời sự và thiết thực hơn, tận dụng tối đa tính ưu việt của công nghệ 4.0, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ban Quản lý có giải pháp để nguồn kinh phí không bị gián đoạn trong quá trình triển khai”, ông Thế Anh đề xuất.