Năm bất cập trong sử dụng vốn ODA sẽ được xử lý trong hành lang pháp lý mới
Nhằm khắc phục những bất cập sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến xây dựng Nghị định mới gồm 10 chương, 100 điều và 10 phụ lục…
Nghị định 56 được ban hảnh trong bối cảnh quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các đối tác phát triển có nhiều thay đổi, đặc biệt sau khi Việt Nam tốt nghiệp các khoản vay ODA với các điều kiện vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (2018) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (2019)… Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, Nghị định này đã bộc lộ một số bất cập ảnh hưởng tới công tác quản lý và sử dụng vốn ODA.
5 BẤT CẬP CẦN XỬ LÝ
Trên cơ sở tổng kết ý kiến của các Bộ ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận hiện nay, công tác quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi đang có nhiều bất cập liên quan đến thể chế, quy trình, thủ tục và pháp luật hiện hành.
Thứ nhất, việc hoàn thành quy trình, thủ tục từ bước đề xuất dự án đến khi ký hiệp định mất nhiều thời gian. Tại mỗi bước, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ, trong khi đó hệ thống pháp luật liên quan đến nguồn vốn này không đồng bộ, nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia trong quá trình ra quyết định dẫn đến việc hoàn thành quy trình, thủ tục ở từng bước mất nhiều thời gian. “Thông thường, để có thể thực hiện một dự án phải mất từ 2-3 năm để hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Thứ hai, chưa có hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phân biệt rõ chi đầu tư và chi thường xuyên trong các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, Nghị định số 56 quy định gia hạn, điều chỉnh, bổ sung đối với các điều ước quốc tế, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện sau khi chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những thay đổi như gia hạn thời gian thực hiện dự án, tương ứng với đó là gia hạn giải ngân các hiệp định phải thực hiện thành 02 quy trình nối tiếp nhưng đều do Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện, chồng chéo về thủ tục.
Thứ tư, theo Nghị định số 56, tất cả các nội dung trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đều phải thực hiện hồ sơ, quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư như ban đầu với quy trình, thủ tục phức tạp. Điều này gây khó khăn trong quá trình điều chỉnh chương trình, dự án trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ năm, việc doanh nghiệp nhà nước vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trước đây thực hiện theo quy định tại số 16/2016/NĐCP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nay các khoản vay này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư công nên Nghị định số 56 không quy định nội dung này, dẫn đến việc doanh nghiệp nhà nước vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không có quy định về quy trình, thủ tục, đặc biệt việc điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không thực hiện được.
BỔ SUNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 56 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết để khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên.
Nghị định mới dự kiến gồm 10 Chương, 100 Điều và 10 Phụ lục. Trong đó, Nghị định sẽ bổ sung các văn bản pháp lý liên quan ban hành trong thời gian gần đây (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường) và những văn bản pháp luật liên quan đến các dự án cho doanh nghiệp vay lại 100% vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp).
Bên cạnh việc bổ sung, điều chỉnh một số quy định liên quan tới quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại… Nghị định mới còn bổ sung chương riêng về doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư, bao gồm cả đầu tư PPP vào các chương trình, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh trong quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.