17:23 26/07/2021

Hoàn thiện phương án tăng vốn nhà nước tại ACV trước 15/8

Ánh Tuyết

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện phương án cho phép ACV dùng lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021-2025 để tăng vốn nhà nước …

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương án chia cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).

 
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải đánh giá, thẩm định đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2021.

Theo đó, các ý kiến đều ủng hộ chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để thực hiện đầu tư tăng vốn nhà nước tại ACV.

Từ đó, tạo điều kiện cho ACV bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến, chỉ đạo và tổ chức hoàn thiện phương án đề xuất cụ thể về chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để thực hiện đầu tư tăng vốn, gửi Bộ Tài chính trong tháng 7/2021.

Theo Nghị định 140/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, ACV thuộc đối tượng chỉ được trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm được phân phối vào Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp.

Khoản lợi nhuận còn lại sau khi trích vào Quỹ phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. 

ACV hiện được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành, như nhà ga hành khách, đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hàng hóa số 1, hệ thống giao thông kết nối với tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đồng.

Dự án được ACV thực hiện từ nguồn vốn chủ sở hữu tối thiểu 36.102 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng vốn vay không có bảo lãnh của Chính phủ.

Để thực hiện dự án trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19, ACV kiến nghị cho phép tích lũy nguồn tiền tối đa từ hoạt động sản xuất kinh doanh để đầu tư trên cơ sở phương án bổ sung vốn điều lệ hàng năm từ lợi nhuận sau thuế, không sử dụng ngân sách nhà nước. Như vậy, ACV sẽ tăng tỷ lệ vốn tự có so với vốn vay, giảm thiểu chi phí lãi vay, nâng cao hiệu quả dự án.

 

Năm 2021, ACV đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.564 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.359 tỷ đồng, nếu Covid-19 được kiểm soát vào tháng 8. Kế hoạch đầu tư năm 2021 của ACV dự kiến giải ngân gần 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, là các dự án đầu tư xây dựng Nhà ga T3 – Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Nhà ga Hàng hoá Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1); Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Điện Biên…