Hơn 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, bao phủ trên 92% dân số
Trong năm 2022, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được mở rộng, riêng bảo hiểm y tế đạt khoảng 91,1 triệu người, tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021...
Ngày 11/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.
DIỆN BAO PHỦ BẢO HIỂM TIẾP TỤC ĐƯỢC MỞ RỘNG
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được mở rộng, với khoảng 91,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021, là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch.
Khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng đồng nghĩa lưới an sinh xã hội được mở rộng, có thêm hàng chục triệu lượt người được thụ hưởng chế độ.
Cùng với đó, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Trong năm 2022, toàn ngành đã giải quyết cho trên 95,6 nghìn hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 977.600 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; 151,4 triệu lượt người hưởng bảo hiểm y tế; với tổng số tiền chi cho người hưởng lên đến 382.000 tỷ đồng.
Trong đó có 61% người hưởng qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTG trước 3 năm.
Cũng trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng. Trong đó, chỉ qua thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị, số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỷ đồng (bằng 93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhờ đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi chỉ chiếm 2,91% số phải thu - đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%). Những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.
CHI TRẢ KỊP THỜI CÁC CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI THAM GIA
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến chia sẻ tại hội nghị cho rằng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nhất là những vướng mắc về cơ chế, chính sách; khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động trong sản xuất, kinh doanh.
Hội nghị cũng xác định, năm 2023, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thực tiễn đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động. Đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo đó, trong năm 2023, ngành cần tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể, như nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.
Đồng thời, cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đảm bảo giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tập trung đôn đốc thu, giảm nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, cần khai thác, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.
Giải pháp quan trọng nữa cũng được đề cập là tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các Bộ ngành; tiếp tục kết nối, liên thông hiệu quả các cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm...