Chuyển đổi số ngành bảo hiểm mang lại hiệu quả
Kết thúc năm 2022, công tác chuyển đổi số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những thành tích nổi bật nhất của ngành bảo hiểm. Chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, phục vụ, đem tới sự thuận lợi, hài lòng cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện...
Những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm.
TRÊN 30 TRIỆU TÀI KHOẢN "BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ"
Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng đây là sự phát triển mang tính đột phá. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chuyển đổi số sẽ đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới. Thay đổi cách vận hành công việc mà không bắt buộc phải đi qua giai đoạn bắt kịp sau đó mới vượt lên. Thay vì làm dần dần, làm từng phần, từng bước thì có thể làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh.
Đánh giá về công cuộc chuyển đổi số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị nhiều năm đứng trong top đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành. Ứng dụng này ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích trong việc cung cấp thông tin chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho người tham gia, các dịch vụ công trong giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội, giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách về bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi an sinh của bản thân.
Theo thống kê, tính đến ngày 25/12/2022, trên toàn quốc đã có trên 30 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có gần 2 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là một thành quả chỉ có ở chuyển đổi số.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giúp người tham gia bảo hiểm y tế giảm thời gian, thủ tục giấy tờ khi đi khám chữa bệnh và quản lý hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế. Triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Đến hết ngày 25/12/2022, cả nước đã có gần 12.024 nghìn cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm 94% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc).
Những tháng cuối năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các địa phương triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số bệnh viện ở Quảng Bình, Hà Nội và trong tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (tại Văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương và Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (Hà Nội). Những ứng dụng công nghệ này nhằm khắc phục triệt để việc trục lợi bảo hiểm y tế và thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý.
HƯỚNG TỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM SỐ
Đặc biệt, năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của ngành để phục vụ và đem tới sự hài lòng nhất cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngay từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Điều này giúp cho tương tác của ngành với hầu hết người dân có sự lan tỏa.
Đối với Đề án 06, đến nay ngành đã hoàn tất năm nội dung quan trọng như: kết nối kỹ thuật để chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với trên 71 triệu nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên tổng số 85,4 triệu người tham gia; hoàn thành việc sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) để người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được giao tại Đề án 06; phối hợp triển khai sổ sức khỏe điện tử; chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe phục vụ việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Hiện toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý cơ sở dữ liệu của trên 98,7 triệu người dân; với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành; kết nối liên thông với khoảng 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh và 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 1 phát hành ngày 2-1-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam